Tập đoàn Hà Đô vẫn đang 'giậm chân' tại Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại?
Công ty CP Tập đoàn Hà Đô vừa mới công bố Báo cáo tài chính hợp nhất cho kỳ kế toán từ ngày 1/1/2019 đến ngày 30/6/2019.
Theo đó, báo cáo cho thấy tính tới ngày 30/6/2019, Tập đoàn Hà Đô đã đầu tư gần 159 tỉ đồng vào dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tính tới ngày 30/6/2019, Tập đoàn Hà Đô đã đầu tư gần 159 tỉ đồng vào dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất cho kỳ kế toán từ ngày 1/1/2019 đến ngày 30/6/2019 của Tập đoàn Hà Đô.
Theo tìm hiểu, tháng 9/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý giao di tích lầu Bảo Đại cho liên danh Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) và Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà (Công ty Khánh Hà) để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa thu hồi di tích lầu Bảo Đại từ Tổng Công ty Khánh Việt để giao hẳn cho Tập đoàn Hà Đô làm dự án biệt thự nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao.
Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2013 với mục tiêu xây dựng khu biệt thự và khách sạn chuẩn 5 sao, trong đó có các biệt thự nghỉ dưỡng cho thuê dài hạn hoặc để bán. Ngoài việc cải tạo 5 biệt thự hiện hữu, dự án còn xây khách sạn 5 tầng (108 phòng) nằm dọc sườn núi và xây 35 căn biệt thự cao cấp. Tổng mức đầu tư dự án ban đầu khoảng 478 tỉ đồng.
Một ngôi biệt thự mới xây ở di tích lầu Bảo Đại. Ảnh: Zing news.
Ngày 27/3/2019, Sở Kế hoạch - Đầu tư Khánh Hòa đã có báo cáo gửi HĐND tỉnh về tình hình thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Theo đó, báo cáo cho biết, hiện nay dự án đang chậm so với tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Nguyên nhân là do nhà đầu tư đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trước đó, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Khánh Hà bảo tồn và tôn tạo 5 ngôi biệt thự theo hướng không phá vỡ kiến trúc cũ bên trong và bên ngoài công trình, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên xung quanh; giữ gìn, trưng bày các tư liệu và hiện vật có liên quan. Về điều chỉnh quy hoạch, dự án không thực hiện công trình trung tâm hội nghị theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt trước đó.
Sau đó, báo Khánh Hòa dẫn lời của ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết, Công ty Cổ phần Đầu tư Khánh Hà đã gửi bản điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án này cho sở thẩm định. Tuy nhiên, trong bản điều chỉnh, chủ đầu tư vẫn giữ trung tâm hội nghị nên sở đã có báo cáo UBND tỉnh, yêu cầu điều chỉnh quy hoạch đúng theo thông báo kết luận của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Trao đổi với PV bên lề buổi họp Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Hà Đô hồi giữa tháng 4/2019, ông Nguyễn Trọng Minh, Uỷ viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, chủ trương điều chỉnh cục bộ và điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án cơ bản đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý. Tuy nhiên vẫn còn các thủ tục liên quan đến việc triển khai dự án.
Về tiến độ dự án, ông Minh cho biết, Tập đoàn Hà Đô đang có sự cân nhắc lại về việc thay đổi thiết kế nội thất và có thể sẽ giảm bớt số lượng căn hộ. Đối với khu trung tâm hội nghị thì Hà Đô đang cân nhắc về việc có nên triển khai hay không bởi vì nguồn cung nhà hội nghị ở Nha Trang rất nhiều và nguồn cầu ở mức vừa phải.
"Do đó, năm nay, trong kế hoạch không đưa ra mức đầu tư cũng như bán hàng của Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Bảo Đại", ông Minh khẳng định.
Thực tế, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại từng vướng không ít vụ sai phạm, "lùm xùm".
Khu danh thắng Bảo Đại nằm trên núi Cảnh Long, phía Tây giáp đường Trần Phú, phía Đông giáp Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa). Trên núi có 5 biệt thự do người Pháp xây dựng từ năm 1923 trong khuôn viên rộng 12 ha. Khu biệt thự được người Pháp xây dựng năm 1923, để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học.
Từ năm 1940-1945, hoàng đế Bảo Ðại và hoàng hậu Nam Phương thường đến đây nghỉ dưỡng nên cái tên lầu Bảo Đại có từ thời đó. Tháng 10/1995, UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự lầu Bảo Đại là "di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh".
Theo báo chí phản ánh, sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho doanh nghiệp xây dựng dự án biệt thự nghỉ dưỡng, nơi đây bị san ủi, đào bới tan hoang.
Để thực hiện dự án, chủ đầu tư là Công ty Khánh Hà đã chặt hạ cây cối, đào bới núi đồi để xây dựng các biệt thự mới. Những con đường phủ kín cây xanh nhiệt đới nay cũng không còn, vật liệu xây dựng ngổn ngang.
Đồi, núi quanh khu vực lầu Bảo Đại bị đào bới tan hoang. Ảnh: Đời sống và Pháp lý.
Thời điểm năm 2016, khi Sở Xây dựng Khánh Hòa kiểm tra phát hiện chủ đầu tư thực hiện nhiều hạng mục sai giấy phép, vài công trình chưa được cấp phép, cơ quan này đã lập biên bản vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư dừng thi công.
Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành mà vẫn cho máy móc đào bới, đổ trụ móng trong khuôn viên di tích lầu Bảo Đại. Cuối năm 2017, Sở Xây dựng đã có quyết định đình chỉ thi công công trình dự án, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư Khánh Hà do tự ý xây dựng vượt quy hoạch, trái giấy phép xây dựng được cấp.
Đến tháng 5/2018, Sở Xây dựng Khánh Hòa tiếp tục kiểm tra và phát hiện thêm sai phạm.
Cụ thể, biên bản vi phạm hành chính (tháng 5/2018) của Sở Xây dựng Khánh Hòa cho thấy, chủ đầu tư và đơn vị thi công là Công ty CP Hà Đô 1 (đều thuộc Tập đoàn Hà Đô) cho máy móc đào bới di tích danh thắng lầu Bảo Đại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ.
Doanh nghiệp đã tự tiện đổ bê tông làm hàng loạt trụ móng để xây thêm 2 công trình khách sạn khi chưa có giấy phép, với tổng diện tích gần 800 m2.
Báo cáo tài chính hợp nhất cho kỳ kế toán từ ngày 1/1/2019 đến ngày 30/6/2019 của Tập đoàn Hà Đô cho thấy, tính tới ngày 30/6/2019, Hà Đô đã đầu tư gần 159 tỉ đồng vào dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Con số này chỉ tăng khoảng 3 tỉ đồng so với tổng số vốn Hà Đô đã đổ vào dự án tính tới thời điểm 1/1/2019 (gần 156 tỉ đồng).
Điều này cho thấy hơn nửa năm qua, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại gần như vẫn đang "giậm chân tại chỗ" vì nhiều bất cập và vướng mắc nêu trên.