|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn FLC trích lập dự phòng hơn 320 tỉ đồng cho khoản góp vốn vào FLC Faros và Nông dược HAI

12:59 | 07/05/2020
Chia sẻ
Do sự đi xuống của giá hai cổ phiếu ROS (FLC Faros) và HAI (Nông dược HAI), Tập đoàn FLC đã phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư vào hai doanh nghiệp này.
Tập đoàn FLC trích lập dự phòng hơn 320 tỉ đồng cho khoản góp vốn vào FLC Faros và Nông dược HAI - Ảnh 1.

Tiếp viên Bamboo Airways tại trụ sở chính Tập đoàn FLC. Ảnh: Đức Quyền.

FLC đầu tư tài chính nghìn tỉ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2020 mới được công bố, tại ngày 31/3 vừa qua Tập đoàn FLC đang góp tổng cộng 1.346 tỉ đồng vào 12 doanh nghiệp, không kể công ty con hay công ty liên kết.

Tính theo giá gốc, khoản góp vốn có giá trị lớn nhất là vào Công ty cổ phần FLC Travel (hơn 328 tỉ đồng), theo sau là CTCP Nông dược HAI (gần 261 tỉ đồng) và thứ ba là CTCP Xây dựng FLC Faros (hơn 213 tỉ đồng).

Ngày 16/4 vừa qua, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã thông qua chủ trương mua tối đa 79,2% vốn cổ phần của FLC Travel. Nếu giao dịch thành công, FLC Travel sẽ chính thức trở thành công ty con của Tập đoàn FLC.

FLC Travel không niêm yết cổ phiếu rộng rãi tại các Sở giao dịch nên khó xác định giá trị thị trường của cổ phần công ty này. CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã: KLF) là cổ đông lớn sở hữu 36,6% vốn điều lệ FLC Travel.

Hiện nay Chủ tịch HĐQT của FLC Travel là bà Hương Trần Kiều Dung – người đồng thời là Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC, tân Chủ tịch FLC Faros và Chủ tịch CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes.

Tập đoàn FLC trích lập dự phòng hơn 320 tỉ đồng cho khoản góp vốn vào FLC Faros và Nông dược HAI - Ảnh 2.

Trích báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2020 của Tập đoàn FLC.

Khoản đầu tư vào Nông dược HAI có giá gốc tương đối lớn nhưng do cổ phiếu HAI suy giảm trong những năm gần đây nên FLC cũng phải trích lập dự phòng tới 201 tỉ đồng. Giá trị hợp lí của khoản góp vốn vào HAI do đó chỉ còn lại gần 60 tỉ đồng.

Chủ tịch HĐQT Nông dược HAI hiện nay là bà Bùi Hải Huyền – người đồng thời là Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC.

Tương tự với Nông dược HAI, khoản góp vốn vào FLC Faros cũng phải trích lập dự phòng tới gần 122 tỉ đồng do đà lao dốc của cổ phiếu ROS. Trong nhiều năm liền, FLC Faros và Tập đoàn FLC đều do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch. Tuy nhiên ngày 7/4 vừa qua ông Quyết đã từ nhiệm vị trí tại FLC Faros.

Ngày 5/5 vừa qua, FLC Faros đã bầu bà Hương Trần Kiều Dung làm Chủ tịch mới. HĐQT sau đó bổ nhiệm ông Lê Thành Vinh làm Tổng Giám đốc mới thay cho ông Nguyễn Thiện Phú. Như đã nói ở trên, bà Hương Trần Kiều Dung là Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch FLCHomes và FLC Travel. Ông Lê Thành Vinh hiện cũng là Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC.

Tập đoàn FLC trích lập dự phòng hơn 320 tỉ đồng cho khoản góp vốn vào FLC Faros và Nông dược HAI - Ảnh 3.

Giá cổ phiếu HAI và ROS đã giảm 60-95% trong khoảng hai năm qua. Nguồn: VNDirect.

Tổng cộng Tập đoàn FLC phải trích lập dự phòng 325 tỉ đồng cho các khoản góp vốn vào 12 doanh nghiệp nói trên, tương đương 24% giá trị gốc. Tổng giá trị hợp lí còn lại tại ngày 31/3 là 1.021 tỉ đồng.

Tính theo giá trị hợp lí, khoản góp vốn lớn nhất vẫn là vào FLC Travel, nhưng đứng thứ hai và thứ ba không còn là Nông dược HAI hay FLC Faros mà là FLCHomes (195 tỉ đồng) và CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Sơn (144 tỉ đồng).

Bamboo Airways được góp vốn nhiều nhất

Theo báo cáo tài chính riêng quí I, Tập đoàn FLC góp tổng cộng 7.388 tỉ đồng vào 16 công ty con. Lớn nhất trong số này là khoản góp vốn vào CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với 2.070 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ sở hữu 51,11%.

Ngày 17/4 vừa qua (sau ngày kết thúc quí I), Bamboo Airways đăng kí tăng vốn điều lệ từ 4.050 tỉ đồng lên 7.000 tỉ đồng. Hiện chưa rõ Tập đoàn FLC hay tổ chức, cá nhân nào khác đã cam kết góp thêm vốn vào Bamboo Airways.

Các khoản đầu tư lớn tiếp theo là vào CTCP FLC Quy Nhơn Golf & Resort (1.050 tỉ đồng) và Công ty TNHH Một Thành viên FLC Land (951 tỉ đồng).

Tổng giá trị dự phòng đầu tư vào các công ty con là 443 tỉ đồng, giá trị hợp lí là 6.945 tỉ đồng.

Tập đoàn FLC trích lập dự phòng hơn 320 tỉ đồng cho khoản góp vốn vào FLC Faros và Nông dược HAI - Ảnh 4.

Bamboo Airways đón tàu bay thân rộng Boeing 787-9 đầu tiên vào cuối năm 2019. Ảnh: Đức Quyền.

Ngoài ra, Tập đoàn FLC còn hai công ty liên kết là Công ty TNHH Thương mại và Nhân lực Quốc tế FLC (do công ty mẹ Tập đoàn FLC trực tiếp góp 47 tỉ đồng) và CTCP Kỹ thuật Hàng không Sao Mai (do Bamboo Airways góp 730,7 tỉ đồng).

Sao Mai được thành lập ngày 7/11/2019 với vốn điều lệ 800 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là Sửa chữa và bảo dưỡng máy bay và động cơ máy bay.

Sao Mai có ba cổ đông sáng lập là Bamboo Airways ông Trịnh Tuân và bà Nguyễn Thị Phú. Trong đó, Bamboo Airways góp 392 tỉ đồng (49%), hai cá nhân còn lại góp lần lượt 26% và 25% vốn.

Khoảng một tháng sau khi thành lập, vào ngày 25/11/2019, công ty Sao Mai tăng vốn từ 800 tỉ đồng lên 2.150 tỉ đồng. Tại ngày 31/3/2020 Tập đoàn FLC thông qua công ty con là Bamboo Airways đang sở hữu 33,99% vốn của Sao Mai với giá trị vốn góp 730,7 tỉ đồng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.