|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn Đèo Cả cần nguồn vốn hơn 4.200 tỷ đồng để đầu tư, tham vọng lên UPCoM trong năm nay

09:58 | 07/04/2022
Chia sẻ
Trong hơn 4.200 tỷ đồng huy động được, Tập đoàn Đèo Cả sẽ dùng 1.200 tỷ đồng để rót vốn vào CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) - đơn vị chuyên làm về hạ tầng giao thông của tập đoàn.

 Đoàn Chủ tịch ĐHĐCĐ Đèo Cả. (Ảnh: Đèo Cả).

Ngày 6/4, tại TP HCM, CTCP Tập đoàn Đèo Cả (Đèo Cả Group) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Báo cáo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021, Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận doanh thu hợp nhất 3.853 tỷ đồng, tăng 45% so với 2020 và vượt 20% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 410 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm trước đó và vượt 157% kế hoạch.

Trong năm 2021, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành nhiều công trình hạ tầng, như hầm Bao biển, thông hầm Thung Thi, thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận… Đặc biệt, tại dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Đèo Cả hoàn thành thu xếp vốn sớm nhất trong ba dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Sang năm 2022, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.916 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với năm 2021. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 472 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm ngoái.

Về hoạt động đầu tư, Tập đoàn sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để hoàn thành việc phê duyệt triển khai các dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc.

Đồng thời, nghiên cứu và tiếp cận một số dự án mới dự kiến đầu tư theo hình thức PPP như cao tốc TP HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, An Hữu - Cao Lãnh và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý thúc đẩy các dự án đầu tư công khác.

Với các dự án trên, Đèo Cả ước tính tổng nhu cầu sử dụng vốn là 4.244 tỷ đồng cho giai đoạn 2022 - 2023, trong đó tập đoàn sẽ góp vốn đầu tư vào CTCP Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) số tiền 1.200 tỷ đồng.

Hiện HHV là công ty thành viên của tập đoàn, đi đầu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư các dự án của HHV tính đến thời điểm này hơn 60.000 tỷ đồng.

Với nhu cầu trên, các cổ đông của Đèo Cả đã thông qua việc tăng vốn điều lệ thêm 4.234 tỷ đồng thông qua việc chào 404,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP. Nếu thành công, vốn điều lệ của tập đoàn sẽ tăng lên thành 8.287 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các đại diện cổ đông khác cũng đồng ý và mong muốn Tập đoàn Đèo Cả sớm được giao dịch trên UPCoM trong năm 2022 này.

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.