Danh sách DN được mời thảo luận làm cao tốc giai đoạn 5 năm: Có Vingroup, Sungroup, Him Lam, Đèo Cả
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa phát hành giấy mời họp với thành phần gồm các doanh nghiệp lớn như Sungroup, Vingroup, Him Lam, Đèo Cả, Trường Sơn, Thành An, Tổng công ty 36, Lũng Lô, Tổng công ty 319, Tổng công ty xây dựng công trình hàng không-ACC để bàn về kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025, theo tin từ TTXVN.
Đánh giá về động thái này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đó là một bước đi thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành giao thông để hiện thực hoá chỉ đạo của Chính phủ về đầu tư xây hạ tầng giao thông trong giai đoạn hiện nay.
"Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt và thực chất. Nhu cầu cần thiết đã trở thành yêu cầu cấp bách. Và Chính phủ đang hành động theo tinh thần đó.
Nếu sự hợp sức các doanh nghiệp trên được thông qua thì sẽ mở ra một lộ trình và hướng đi mới nhằm hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025 mà Chính phủ đề ra", ông Thiên nói.
Về việc chọn lựa nhà thầu có tâm và tầm để thực hiện cao tốc Bắc - Nam, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần đánh giá năng lực chủ đạo của các doanh nghiệp tham gia dự án giao thông đường bộ khác với các loại hình công trình khác như lĩnh vực dân dụng hay đê điều.
Theo Luật Đấu thầu thì "Chỉ định thầu" là một hình thức để đẩy nhanh tiến độ của gói thầu/dự án và giảm bớt thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu cụ thể của chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, giá thành.
Mới đây Bộ GTVT cho biết trong các ngày 13-15/3, Bộ GTVT phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, ngày 13/3, tại tỉnh Quảng Bình, các đơn vị chức năng đã bàn giao khoảng 47,6 km đoạn từ Hà Tĩnh - Quảng Trị (qua 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).
Ngày 15/3, tại tỉnh Bình Định, khoảng 52,1 km đoạn từ Quảng Ngãi - Nha Trang (qua 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà) cũng được bàn giao và khoảng 34 km đoạn Cần Thơ - Cà Mau (qua 5 tỉnh Cần Thơ - Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau) tại tỉnh Hậu Giang.
Ngoài ra, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với địa phương đề ra mốc bàn giao mặt bằng còn lại của các dự án nhằm đảm bảo sẽ được khởi công trước ngày 31/12.
Cụ thể, đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị dự kiến bàn giao khoảng 110 km đợt 2 ngày 30/4; đợt 3 ngày 30/6 các đoạn còn lại khoảng 109,4 km. Đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang bàn giao đợt 2 ngày 30/4 dự kiến khoảng 229,6 km; đợt 3 ngày 30/6 các đoạn còn lại khoảng 71,3 km.
Đoạn Cần Thơ - Cà Mau bàn giao đợt 2 ngày 30/4 dự kiến khoảng 44 km; đợt 3 ngày 30/6 các đoạn còn lại khoảng 31 km.
Theo Nghị quyết 18/NQ-CP, Chính phủ quyết định áp dụng chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, xây lắp thuộc 12 dự án cao tốc Bắc Nam, giai đoạn 2021-2025.
Bộ GTVT cho biết đã tổ chức lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, có nội dung lập hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng bàn giao cho địa phương (theo 3 giai đoạn) để triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm mục tiêu hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, khởi công dự án, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng theo kế hoạch, khởi công các dự án trước ngày 31/12.