Doanh nghiệp nổi tiếng với chuỗi công trình hầm quy mô lớn đang đầu tư ba dự án cao tốc 16.500 tỷ đồng
Tại toạ đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 15/3, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả trình bày tham luận với tựa đề: "Nhiều cơ hội với nhà đầu tư PPP":
Trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đặt mục tiêu phải hoàn thành thêm 1.840 km đường cao tốc, và đến năm 2030 sẽ có thêm 3.840 km đường cao tốc. Ngoài ra, còn rất nhiều dự án lớn khác được chuẩn bị đầu tư như đường vành đai Hà Nội, TP HCM, các tuyến đường ven biển, các dự án kết nối liên vùng ở các địa phương.
Nhu cầu vốn cho các dự án nói trên lên tới 950.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025 Quốc hội đã bố trí 300.000 tỷ đồng vốn ngân sách để đầu tư công và góp vốn tham gia dự án PPP. Phần còn lại sẽ cần huy động xã hội hóa từ các nhà đầu tư.
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đánh giá đây là cơ hội rất lớn cho tất cả các nhà đầu tư PPP và các nhà thầu thi công xây lắp, trong đó có Tập đoàn Đèo Cả.
Đối với các dự án PPP, hiện nay Đèo Cả đang đầu tư cao tốc Cao Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông và đang chuẩn bị đầu tư các cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh và Tân Phú - Bảo Lộc. Đây đều là những dự án có quy mô rất lớn với nhu cầu vốn là 16.500 tỷ đồng.
Trước đó, Đèo Cả được biết đến với nhiều dự án giao thông lớn. Đáng chú ý phải kể đến chuỗi các công trình hầm lớn nhất Đông Nam Á như hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, hay các dự án cao tốc, cầu như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cửa Lục tại Quảng Ninh.
Đến nay, Đèo Cả đã đóng góp cho ngành giao thông vận tải với 25 km hầm đường bộ, gần 200 km đường cao tốc, quốc lộ và 6 cây cầu lớn.