|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Loạt doanh nghiệp Đèo Cả, Him Lam, Trường Thịnh,... xin nhận thầu cao tốc Bắc - Nam

08:07 | 05/04/2022
Chia sẻ
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp như Trường Thịnh, DIC, Đèo Cả... đã gửi văn bản xin chỉ định thầu các gói thầu xây lắp Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Mới đây, CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xin được chỉ định thầu thực hiện các gói thầu xây lắp thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, theo Báo Đầu tư.

Cụ thể, Trung Nam E&C đề xuất được chỉ định thầu các gói thầu xây lắp của một số dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với chiều dài khoảng 100 km.

Trung Nam E&C là nhà thầu khá quen thuộc tại các dự án hạ tầng giao thông. Tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Trung Nam E&C trong vai trò liên danh cùng Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là nhà thầu gói thầu số XL-14 tại dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45. Trị giá gói thầu là 2.498 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Trung Nam E&C cũng góp mặt trong một dự án thành phần khác tại cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án cầu Mỹ Thuận 2. Tại dự án này, Trung Nam E&C liên danh cùng Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính và CTCP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C thực hiện gói thầu XL03B trị giá 1.516 tỷ đồng.

Bên cạnh Trung Nam E&C, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp như CTCP Tập đoàn Trường Thịnh, Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC),... đã gửi văn bản xin chỉ định thầu các gói thầu xây lắp Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Một lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, ngoài Trung Nam E&C, khá nhiều cái tên rất đáng chú ý như Đèo Cả, Him Lam, Hòa Bình, DIC Corp, Sơn Hải, Phương Thành, Licogi 16, Trường Thịnh, Vinaconex E&C, Hưng Thịnh,… đã gửi đơn xin được chỉ định thầu thông qua việc lập các liên danh hoặc nhận thầu với tư cách là nhà thầu độc lập.

Trong đơn xin chỉ định thầu, các ứng thầu đều đưa ra cam kết mạnh mẽ như rút ngắn tiến độ 3 - 6 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).

Thậm chí, có liên danh như DIC Corp - Him Lam (xin nhận thầu cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) cho biết đã làm việc với các tổ chức tín dụng như Sacombank, LienVietPostBank để hỗ trợ tăng tính chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn thi công công trình. Được biết, danh sách xin được chỉ định thầu sẽ còn tiếp tục xuất hiện thêm những “ứng viên” máu mặt khác.

Đơn sẽ được nộp cho cho cả Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và 3 dự án đường cao tốc được đầu tư bằng vốn đầu tư công và vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội dự kiến áp dụng cơ chế chỉ định thầu xây lắp như Biên Hòa - Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Hiện nay, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra tiêu chí để chọn nhà thầu cho các dự án cao tốc Bắc Nam. Trước đó, giữa tháng 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có công văn về việc hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, tại công văn này, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng xem xét áp dụng khung tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu đối với các gói thầu thuộc các dự án của ngành GTVT thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất áp dụng quy định giá trị hợp đồng tương tự thấp hơn thông lệ (70%) hoặc quy định nhà thầu phải có kinh nghiệm thi công công trình có hạng mục tương tự với hạng mục công trình của gói thầu được chỉ định.

Bên cạnh đó, các nhà thầu phải đáp ứng nguồn lực tài chính theo hướng quy định nhà thầu được chỉ định phải thực hiện đặt cọc hoặc ký quỹ một khoản kinh phí nhất định để phục vụ việc thi công gói thầu. Những nội dung yêu cầu cụ thể về năng lực, kinh nghiệm sẽ do Bộ GTVT đề xuất.

Đồng thời, để tránh tình trạng chia nhỏ gói thầu hay tập trung chỉ định cho một số nhà thầu dẫn đến không đảm bảo tiến độ, chất lượng, Bộ KH&ĐT đề xuất bổ sung một số tiêu chí về phân chia gói thầu, trong đó có việc không phân chia dự án thành quá nhiều gói thầu khác nhau có tính chất tương tự trong cùng một dự án; quy mô gói thầu được xác định phù hợp với khả năng triển khai của nhà thầu trong nước.

 

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất bổ sung một số tiêu chí về ưu tiên nhà thầu, trong đó nhấn mạnh khả năng huy động ngay nguồn lực sẵn có về vật liệu, nhân lực, thiết bị để thi công; hợp đồng tương tự được chủ đầu tư xác nhận hoàn thành vượt tiến độ với chất lượng tốt; không cùng lúc thực hiện nhiều gói thầu dẫn đến vượt quá khả năng thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã ban hành nghị quyết chỉ định các gói thầu thiết kế, xây lắp các dự án cao tốc này. Theo Bộ GTVT, việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn và gói thầu xây lắp sẽ đẩy nhanh thời gian thực hiện dự án sớm hơn 3 tháng.

Cụ thể, đối với gói thầu tư vấn, nếu áp dụng đấu thầu rộng rãi thường sẽ mất khoảng 58-60 ngày làm việc trong khi đó áp dụng chỉ định thầu chỉ mất tối đa 30 ngày cho tất cả các công đoạn như: Chấp thuận danh sách nhà thầu, thẩm định hồ sơ đề xuất, mở thầu, thẩm định kết quả chỉ định thầu…

Tương tự, đối với gói thầu xây lắp, đấu thầu rộng rãi trong nước sẽ qua 19 công đoạn với thời gian 76-80 ngày làm việc còn chỉ định thầu chỉ qua 11 công đoạn và 41 ngày làm việc.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Về phạm vi, quy mô, dự án có chiều dài khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ tổng mức đầu tư là 146.990 tỷ đồng. Chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. 

Phương Trang