|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tạo ra thuốc, vắc xin cứu sống nhân loại trong đại dịch, các startup công nghệ sinh học chạm ngưỡng định giá tỷ USD

07:45 | 05/10/2021
Chia sẻ
COVID-19 tạo cơ hội cho nhiều công ty thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học phát triển, tạo ra các đợt thúc đẩy IPO kỷ lục trong thời gian gần đây.

Đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu hơn một năm nay đã khiến công nghệ sinh học trở thành lĩnh vực mới cực kỳ phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư. Một nhóm các chuyên gia nói với CNBC rằng thực tế cho thấy đã xuất hiện số lượng các đợt IPO kỷ lục với các công ty công nghệ sinh học trên toàn cầu.

Xu hướng IPO tại các công ty công nghệ sinh học

Ngành công nghệ sinh học đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong hai năm qua trong thời kỳ đại dịch. Tham gia hội nghị “Delivering Alpha”, bà Christiana Bardon, một nhà quản lý danh mục đầu tư tư nhân công ty cổ phần MPM Capital đã nói với người dẫn chương trình Meg Tirrell của CNBC rằng:

“Chúng tôi đã tạo ra tất cả các loại thuốc, vắc xin và phương pháp điều trị cứu sống thế giới”. Đó cũng chính là lý do mà đầu tư vào công ty công nghệ sinh học là một lựa chọn xu hướng và hấp dẫn hơn bao giờ hết.

COVID-19 thúc đẩy các đợt IPO kỷ lục trong lĩnh vực công nghệ sinh học - Ảnh 1.

Đầu tư và thúc đẩy IPO ở các công ty công nghệ sinh học đang rất sôi động. (Nguồn: Shuttershock).

Vắc xin COVID-19 rất thành công của Pfizer và Moderna đã được phát triển ở Mỹ trong thời gian kỷ lục và sử dụng đến các công nghệ Messenger RNA hoặc mRNA - công nghệ chưa từng được phép sử dụng ở người trước đây. Hơn 370 triệu liều đã được phân bổ ở Mỹ cho đến nay, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh nước này.

“Bạn biết đấy, tôi nghĩ là lĩnh vực của chúng tôi luôn bị cho là kém thú vị hơn một chút so với những ‘người anh em’ công nghệ khác”, bà Bardon nói. “Dù vậy, thành thật mà nói thì chúng tôi đã và đang làm công việc tương tự đối với bệnh ung thư và tất cả các vấn đề y tế lớn khác chưa tìm ra lời giải trong suốt 20 năm qua kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên công nghệ sinh học hiện đại với cuộc cách mạng giải mã bộ gen người”.

Theo tiết lộ của bà Bardon thì xu hướng gia tăng sự quan tâm đối với các công nghệ mới trong đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy rất nhiều vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học, các khoản tài chính kỷ lục và các đợt IPO chưa từng có.

IShares Biotechnology ETF (Quỹ trao đổi đầu tư công nghệ sinh học) theo dõi các công ty lớn nhất của ngành đã tăng nguồn tiền đầu tư khoảng 62% trong 2 năm qua, cao hơn cả hiệu suất của của các công ty trong top S&P 500 (tăng khoảng 47% trong cùng khoảng thời gian).

Ông Alex Denner, đối tác sáng lập và giám đốc đầu tư của quỹ Sarissa Capital Management cho biết các nhà đầu tư đang đổ số tiền “khổng lồ” vào lĩnh vực này. Cùng với đó, cũng có nhiều dự đoán về những diễn biến trong tương lai, liệu các công ty công nghệ sinh học sẽ làm gì sau khi đại dịch lắng xuống, khả quan hơn.

Ông nói: “Tôi thấy nhiều người hào hứng với tiềm năng của việc nghiên cứu, đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc so với những gì được coi là hợp lý cách đây vài năm. Gia tăng sự quan tâm đối với ngành này thực tế đã khiến một số công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm không gian phòng thí nghiệm hoặc tạo ra thử thách cho các nhà nghiên cứu có trình độ và kinh nghiệm phát triển lâm sàng”.

“Tôi nghĩ rằng các bạn có thể sẽ thấy xu hướng này đang quá hấp dẫn nhưng chắc chắn trong thời gian tới sẽ có một số vụ hợp nhất và thu mua xảy ra”, nhà đầu tư kỳ cựu này nói thêm.

Trong khi đó, bà Bardon cho biết bản thân bà hy vọng các lĩnh vực như nghiên cứu ung thư có thể được hưởng lợi. Bà nói: “Chúng ta không chỉ có thể hiểu được các đột biến đang dẫn đến ung thư ở người mà còn có thể phát triển các loại thuốc đặc trị cho những đột biến đó.

Điều đó cũng có nghĩa là các thử nghiệm lâm sàng có thể hiệu quả hơn vì chúng ta chỉ xác định những bệnh nhân không có đột biến để chữa trị trong quá trình thử nghiệm lâm sàng”.

Thu Phương