|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Tăng/giảm bất ổn, Việt Nam vẫn nhập về 42.000 chiếc ô tô nguyên chiếc

21:35 | 31/05/2017
Chia sẻ
Dù đang thiếu ổn định, nhưng lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về thị trường Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.
tanggiam bat on viet nam van nhap ve 42000 chiec o to nguyen chiec
Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng. Ảnh minh họa: Thaco.

Số lượng từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng xe ô tô nhập khẩu thực hiện trong tháng 4 chỉ đạt 7.000 chiếc. Thực tế, trong tháng 4, chỉ có 6.962 chiếc xe được nhập về thị trường Việt Nam, đạt trị giá 169,5 triệu USD (theo số liệu của Tổng cục Hải Quan). Con số này, thấp hơn 37,8 về lượng và 6% về trị giá so với hồi tháng 3.

Tuy nhiên, sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 4, lượng xe ô tô nhập khẩu đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong tháng 5.

Cụ thể, Tổng cục Thống kê ước tính, có khoảng 9.000 chiếc xe nguyên chiếc cập cảng, đạt trị giá 187 triệu USD. So với tháng trước, lượng xe nhập về thị trường trong nước tăng lên khoảng 2.000 chiếc.

Như vậy, tính đến hết tháng 5, thị trường Việt Nam đã nhập về 42.000 chiếc ô tô, đạt trị giá 850 triệu USD. Dù được đánh giá là không ổn định, thế nhưng lượng xe nhập về thị trường trong nước vẫn tăng trưởng về lượng so với trước đó dù không nhiều (tăng 0,3%). Điều đáng chú ý là, trị giá xe nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm đáng kể khi thấp hơn 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quan sát thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy, ô tô nhập khẩu đang có một thời kỳ phát triển không ổn định khi biểu đồ tăng/giảm liên tục thay đổi theo từng tháng. Sự không ổn định của ô tô nhập khẩu được cho là do tác động không nhỏ từ các chính sách về nhập khẩu ô tô trong thời gian qua. Trong đó có các chính sách về thuế và các thủ tục ràng buộc đối với các nhà nhập khẩu.

Cho đến thời điểm hiện tại, khi Thông tư 20 về nhập khẩu xe đã được gỡ bỏ, vẫn chưa có một chính sách nào cụ thể và thống nhất về ô tô nhập khẩu.

Mới đây, Bộ Công thương tiếp tục lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Dự thảo Nghị định quy định nhiều nội dung mới trong việc sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô. Theo đó, dự thảo Nghị định khẳng định mọi doanh nghiệp đều được quyền nhập khẩu ô tô sau khi đáp ứng các điều kiện và được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định. Tuy nhiên, lại đưa ra các quy định “ngặt nghèo” hơn về điều kiện được nhập khẩu. Trong đó, dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng doanh nghiệp nhập khẩu phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định và phải cam kết trách nhiệm bảo hành, triệu hồi ô tô nhập khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, trước mắt, doanh nghiệp nhập khẩu có thể lựa chọn một trong 3 hình thức. Cụ thể là sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp nhập khẩu. Tuy nhiên, để duy trì môi trường kinh doanh ổn định và bảo vệ lợi ích lâu dài của người tiêu dùng, dự thảo Nghị định quy định tới thời điểm 1/7/2020, doanh nghiệp nhập khẩu bắt buộc phải sở hữu tối thiểu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định.

Hoàng Nam