Tiền gửi dân cư bất ngờ tăng mạnh trong tháng 2, cao hơn mức tăng trưởng cả năm 2021
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 2, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021. Trong đó, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt gần 11 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với đầu năm, tương đương 150.756 tỷ đồng.
Cụ thể, tiền gửi dân cư tiếp tục duy trì đà tăng trong tháng 2, đạt 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56.400 tỷ đồng so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021 (tăng 3,01%). Có thể thấy mức tăng này còn cao hơn mức tăng trưởng tiền gửi của người dân trong năm 2021 là 158.623 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) ghi nhận giảm 0,16% so với cuối năm 2021, tương đương giảm 8.869 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 1, tiền gửi của TCKT sụt giảm hơn 68.000 chủ yếu do yếu tố mùa vụ khi đây là thời điểm các doanh nghiệp thực hiện chi trả tiền lương, thưởng cho người lao động.
Theo báo cáo vĩ mô quý I/2022, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 0,5-1% trong cả năm 2022.
Theo đó, mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng và diễn biến lạm phát trong các quý tới cũng sẽ là yếu tố ảnh hƣởng đến mức độ tăng của lãi suất huy động. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng .