|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng kinh tế Mỹ có dấu hiệu giảm tốc

23:59 | 28/10/2021
Chia sẻ
Nền kinh tế Mỹ ước tính tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn một năm trong quý III/2021 trong bối cảnh COVID-19 bùng phát. Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục căng thẳng và gây ra tình trạng thiếu hàng hóa, kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng.

Báo cáo về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bộ Thương mại Mỹ, sẽ đưa ra ngày 28/10 (giờ địa phương), dự kiến cho thấy lạm phát ở mức cao do tình trạng thiếu hụt chung trên toàn nền kinh tế và do các khoản cứu trợ nhằm làm giảm tác động của đại dịch gây ra, tác động đến tăng trưởng. 

Các chương trình kích thích tài chính và bão Ida, mà làm tê liệt hoạt động sản xuất năng lượng ngoài khơi của Mỹ hồi cuối tháng 8/2021 gây sức ép lên nền kinh tế.

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế tăng lên vào cuối quý này trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 liên quan đến biến thể Delta giảm.

Ryan Sweet, nhà kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics ở West Chester, Pennsylvania, nhận định biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 là nguyên nhân lớn nhất khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm tốc đáng kể. 

Tuy vậy, đà tăng sẽ quay trở lại vào quý IV/2021 và nửa đầu năm 2022 khi tình hình dịch COVID-19 dịu bớt.

Theo khảo sát của hãng tin Reuters, tăng trưởng GDP của Mỹ có thể ở mức 2,7% trong quý III/2021. Tuy nhiên, cuộc khảo sát này được tổng hợp trước khi công bố dữ liệu ngày 27/10 cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa đã tăng mạnh trong tháng 9/2021 trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm.

Thâm hụt thương mại hàng hóa cao kỷ lục đã khiến một số ngân hàng niêm yết ở thị trường chứng khoán Phố Wall hạ dự báo tăng trưởng GDP của kinh tế Mỹ, trong đó Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng khoảng 0,5 điểm phần trăm xuống mức 2,75%. Chi nhánh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Atlanta đã hạ dự báo vốn đã ở thấp 0,5% xuống còn 0,2%.

Biến thể Delta cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động tại các nhà máy, hầm mỏ và bến cảng, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, được dự báo sẽ bị đình trệ sau khi tăng mạnh 12% trong quý từ tháng 4-6/2021. Biến thể Delta cũng làm hạn chế chi tiêu cho các dịch vụ như đi lại bằng máy bay và ăn uống.

Lạm phát, vượt quá mục tiêu 2% của Fed, cũng làm giảm khả năng chi tiêu của các hộ gia đình. Sức ép giá cả và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng này hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ từ mức 7% đư ra hồi tháng 7/2021 xuống 6%. Tuy vậy, tăng trưởng chậm lại sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch bắt đầu giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng của Fed.

Vẫn còn một vài điểm tích cực ghi nhận được gần đây như số ca mắc COVID-19 giảm đáng kể và tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tăng. Tình hình sức khỏe cộng đồng cải thiện giúp nâng cao niềm tin của người tiêu dùng trong tháng này. Số lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 19 tháng.

Xu hướng giảm này dự kiến sẽ được xác nhận bằng một báo cáo riêng trong ngày 28/10 của Bộ Lao động Mỹ. Còn theo khảo sát của Reuters, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu có thể được giữ ở mức 290.000 đơn trong tuần trước, ghi nhận tuần thứ ba liên tiếp con số này dưới ngưỡng 300.000 đơn.

Thương mại có thể là lực cản đối với tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý thứ năm liên tiếp sau khi xuất khẩu nguyên liệu công nghiệp giảm mạnh trong tháng 9/2021. Vật liệu xây dựng đắt đỏ và giá nhà tăng cao có thể sẽ lại gây áp lực lên thị trường nhà ở trong quý III/2021, trong khi chi tiêu của chính phủ có thể tăng trở lại.

Minh Hằng