|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia chỉ ra dư địa tăng trưởng GDP các quý còn lại vẫn rất lớn nhờ vào các yếu tố sau

07:37 | 12/04/2022
Chia sẻ
Với tình hình chuyển biến tích cực của dòng vốn FDI cũng như hoạt động xuất khẩu trong quý I/2022, chuyên gia cho rằng dư địa tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những quý tiếp theo vẫn còn rất nhiều.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2022 ghi nhận mức tăng trưởng 5,03% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng cao sau hai năm chống chịu với đại dịch COVID-19 (quý I/2010 tăng 3,66%; quý I/2021 tăng 4,72%), song vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam năm 2022 phải chịu áp lực, rủi ro từ nhiều yếu tố như xung đột Nga - Ukraine hay lạm phát gia tăng,... song nhiều tổ chức tài chính, chuyên gia kinh tế đều cho rằng dư địa tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những quý tiếp theo vẫn khá lớn.

Chia sẻ với người viết, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh nhận định hoạt động kinh tế Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2022 đã có nhiều chuyển biến tích cực và khả quan hơn sau hai năm chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu nhiều rủi ro từ xung đột Nga - Ukraine, lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng... với độ mở của nền kinh tế Việt Nam thì những điều này đang gây nên áp lực lớn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng triển vọng vĩ mô trong các quý tiếp theo cũng như cả năm 2022 vẫn đang khá tốt.

Điểm sáng nhất trong bức tranh vĩ mô của Việt Nam chính là dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Dòng vốn FDI đã bị ảnh hưởng nhiều trong hai năm đại dịch COVID-19, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định niềm tin với nhà đầu tư, đẩy mạnh thu hút làn sóng FDI. Tính trong quý I, lượng vốn giải ngân đang tăng mạnh và lượng đăng ký mới cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực hơn.

 Biểu đồ: Phương Trang.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/3 đạt 8,9 tỷ USD. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. 

Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thứ hai chính là hoạt động xuất khẩu. Trong thời gian qua, tình hình xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng trở lại, đặc biệt là khi Việt Nam đang gia nhập vào thị trường xuất khẩu rất lớn, trước đó còn thua cả thị trường Trung Quốc, đó là thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng tốt cũng sẽ tạo ra lượng thặng dư và dự trữ ngoại hối gia tăng nhờ đó Việt Nam có thể đảm bảo được tính an toàn và tránh bị biến động lớn về tỷ giá, phòng trường hợp Fed sẽ tăng mạnh lãi suất hoặc các biện pháp thắt chặt lãi suất mạnh hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh cũng lưu ý trong khi các quốc gia khác trên thế giới đang dần thắt chặt chính sách tiền tệ thì Việt Nam vẫn chưa tới giai đoạn này và vẫn đang thực hiện các chính sách hỗ trợ và bơm các gói kích cầu. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, kích cầu tiêu dùng, tăng đầu tư...

Sơ bộ chung về bức tranh vĩ mô trong các quý tiếp theo và năm 2022, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta cho rằng với những yếu tố trên cùng mức nền tăng trưởng GDP 2021 (2,58%) thấp nhất trong nhiều năm qua thì dư địa tăng trưởng trong năm 2022 vẫn còn rất nhiều.

Phương Trang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.