|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng trưởng khó khăn trong 9 tháng, lối thoát nào cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ?

21:16 | 20/10/2022
Chia sẻ
Thời điểm này hàng năm, các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ thường được tiêu thụ mạnh tại các nước nhập khẩu do nhu cầu mua sắm cuối năm tăng. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của lạm phát, bất lợi từ thị trường đã khiến khung cảnh thường lệ này thay đổi.

Xuất khẩu tăng trưởng hai con số nhưng không phải là sự hồi phục

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9 đạt 1,41 tỷ USD, tăng 56,5% so với tháng 9/2021. 

"Trong tháng 9, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường đều có trị giá tăng mạnh so với tháng 9/2021 bởi sự gián đoạn của hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nên trị giá xuất khẩu trong tháng 9/2021 ở mức thấp", Cục Xuất nhập khẩu lý giải.

Thông tin này cùng với sự theo dõi hoạt động xuất khẩu những tháng qua cho thấy đà tăng trưởng trong tháng 9 không phải là kết quả của sự phục hồi sau nhiều tháng khó khăn bởi trị giá xuất khẩu tháng 9 đã giảm 21% so với tháng trước đó.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh) 

Dù vậy, tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. 

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt, cho biết bên cạnh lý do nền tăng trưởng của cùng kỳ ở mức thấp, con số tăng hơn 10% của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 9 tháng đầu năm chủ yếu là nhờ sự tăng trưởng của các mặt hàng như dăm gỗ, viên nén gỗ, cửa gỗ...

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu dăm gỗ 8 tháng đầu năm tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái, cửa gỗ tăng 55,3%, gỗ ván và ván sàn tăng 12%.

Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ, thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành gỗ, liên tục sụt giảm là yếu tố chính khiến ngành hàng ghi nhận tăng trưởng nhưng vẫn khó lạc quan trong các tháng còn lại của năm.

Cụ thể, trong tháng 9, xuất khẩu sang thị trường này giảm 16,3% so với tháng 8. Đây cũng là tháng sụt giảm thứ 7 liên tiếp từ đầu năm đến nay và nếu không tính tháng 2 với kim ngạch thường thấp do rơi vào dịp Tết Nguyên đán, thì tháng 9 này có thể là tháng có trị giá xuất khẩu thấp nhất trong 9 tháng qua.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh 

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho biết kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng do lạm phát đã ảnh hưởng lớn đến tác động tăng trưởng xuất khẩu của ngành chế biến gỗ trong những tháng cuối năm 2022.  

Chẳng hạn, bên cạnh Mỹ, lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là các nước EU, cùng với tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu.

Do đó, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ khó tăng mạnh như trước kia, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Liêm cũng cho hay theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính. Tuy nhiên, tình hình năm nay không mấy khả quan bởi ngành gỗ đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi. 

"Đơn hàng quý III của các doanh nghiệp chỉ còn khoảng 40-50%, sang quý IV còn sụt giảm hơn và hiện vẫn chưa có đơn hàng cho năm mới', Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt chia sẻ. 

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ xoay sở như thế nào?

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong khi tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ sụt giảm thì tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, mặt hàng này của Việt Nam đang có sự gia tăng thị phần trong 9 tháng đầu năm. 

Tỷ trọng các thị trường xuất khẩu chính của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.  (Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh)   

Điều này phù hợp với chia sẻ của nhiều doanh nghiệp khi cho biết hiện các đơn vị đang chuyển hướng sang một số thị trường mới để duy trì sản xuất, kinh doanh và giảm thiểu thiệt hại.  

Ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Hưng, cho biết thời gian gần đây, công ty đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, hai thị trường này ít bị ảnh hưởng bởi biến động lạm phát kinh tế từ các quốc gia EU và Mỹ. Dù đây là giải pháp tình thế nhưng giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, nhà máy và giữ chân người lao động trong ngành chế biến gỗ. 

 Ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Hưng. (Ảnh: Như Huỳnh)

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là một trong 5 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, trong những năm gần đây luôn đứng ở vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 về kim ngạch.

9 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 13,2%, tăng 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy các doanh nghiệp trong nước cũng đang cố gắng khai thác dư địa tăng trưởng ở thị trường tỷ dân này. 

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA, cho rằng, lâu nay, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tập trung vào một số thị trường chủ lực nên mỗi khi các thị trường này có biến động, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay lập tức bị ảnh hưởng. Do đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản trị… để tăng sức cạnh tranh hàng hóa.   

Ngoài ra, một cách ứng phó khác cũng đang được các doanh nghiệp thực hiện đó là quay về thị trường nội địa.

Các chuyên gia ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đánh giá, ngoài thị trường xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa vẫn còn bỏ trống. Hiện người tiêu dùng nội địa ngày càng có nhu cầu lớn trong trang trí nhà cửa, văn phòng. 

HAWA ước tính khoảng 30% doanh nghiệp ngành gỗ đang phục vụ thị trường trong nước. Thị trường này được cho là tiềm năng vì các dự án xây dựng khởi động lại sau dịch, sẽ phần nào bù đắp cho xuất khẩu chậm lại. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Liêm, việc quay về thị trường nội địa là giải pháp ngắn hạn và không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được bởi thị hiếu tiêu dùng nội địa khác thị trường xuất khẩu, dây chuyền sản xuất cho hàng xuất khẩu cũng có sự khác biệt với các đơn hàng nội địa.

"Nhu cầu thị trường nội đia tuy lớn nhưng sản phẩm nhỏ lẻ, thị hiếu mỗi người khác nhau nên khi chuyển về thị trường nội địa không thể "một sớm một chiều" là làm ngay được", Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt chia sẻ, đồng thời cho hay với riêng doanh nghiệp, giải pháp lúc này là thuyết phục khách hàng duy trì đơn hàng, dù sụt giảm nhưng vẫn thực hiện để giữ chân người lao động và nhà máy hoạt động.

"Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tìm thêm khách hàng tại các hội chợ trong và ngoài nước, ký kết các đơn hàng dù nhỏ lẻ và nhu cầu khác nhau nhưng doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận trong giai đoạn này", ông Nguyễn Liêm nói.

Như Huỳnh