Tăng tín dụng cho vùng lõi nghèo Tây Bắc
Đây là cam kết của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Lê Minh Hưng tại hội nghị tổng kết về chính sách tín dụng Tây Bắc tại tỉnh Lào Cai ngày 21-9.
Ông Hưng khẳng định, NHCSXH cam kết tiếp tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giải ngân cho vay vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Vùng Tây Bắc với trên 11,6 triệu người thuộc hơn 30 dân tộc bao gồm 8 tỉnh phía Đông Bắc, 4 tỉnh phía Tây Bắc và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Cam kết của ông Hưng nhằm hưởng ứng yêu cầu của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng Nguyễn Văn Bình tại hội nghị, rằng ngân hàng quốc doanh này cần tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân cho vùng Tây Bắc khoảng 10%/năm theo chiến lược đã được Thủ tướng phê duyệt.
Ông Bình đề nghị cần thiết kế lại chính sách theo hướng phát huy tính chủ động của người nghèo và cộng đồng, giảm "cho không"; thực hiện chuyển một số chính sách "cho không, cấp không" sang chính sách cho vay ưu đãi, cho không có điều kiện.
Ông Bình cũng đề nghị bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách cho NHCSXH theo quy định tại các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng.
Theo báo cáo tại hội nghị, tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc đã giảm nhanh gần 4% mỗi năm, từ hơn 34% năm 2010 xuống còn khoảng 15% năm 2015.
”Đóng góp vào thành tích trên, phải kể đến vai trò của Ngân hàng Chính sách Xã hội – một công cụ quan trọng để thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo”, ông Bình nhận xét.
Tính đến cuối năm 2015, tổng dư nợ các chương tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Bắc là 29.826 tỉ đồng, tăng 62,8% so với năm 2010. Đến cuối tháng 8-2016 tổng dư nợ đã đạt 32.194 tỉ đồng.
Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm giai đoạn 2010-2015 của vùng Tây Bắc đạt 10,3% cao hơn mức 9,8% của bình quân toàn quốc. Trong khi đó, tỷ lệ nợ quá hạn vùng Tây Bắc đến nay ở mức rất thấp, chỉ chiếm 0,25% tổng dư nợ.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận xét, Tây Bắc vẫn còn là “lõi nghèo” của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 29%, cao gấp gần 3 lần tỷ lệ chung của cả nước, trong đó có nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 40-50%.
“Những điều này đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách cho vùng Tây Bắc trong thời gian tới”, ông Bình đề nghị.
Theo Tư Giang
TBKTSG