'Tăng thuế TTĐB cần có lộ trình hợp lý để duy trì sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm ngành bia, rượu'
Tại Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 14/8, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính mới đề xuất.
Cụ thể, tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đưa ra hai phương án lộ trình tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia.
Phương án 1, tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030. Phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030. Tương tự, mặt hàng rượu trên 20 độ cũng được đề xuất hai phương án tăng thuế TTĐB giống với mặt hàng bia.
Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Bộ Tài chính đưa nhóm mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Mức thuế áp dụng với nước giải khát có tỷ lệ đường 5gr/100ml theo Tiêu chuẩn Việt Nam, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao... là 10%.
Góp ý với dự thảo này, hầu hết các đại biểu đều đồng tình với chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các phương án lộ trình tăng thuế được đưa ra trong dự thảo cũng đang làm dấy lên những băn khoăn.
Trong năm 2023, ngành bia – rượu – nước giải khát, ước tính đóng góp khoảng 60.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,4% thu ngân sách Nhà nước trong năm 2023.
Ngành đồ uống đã chứng kiến thực trạng lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm từ năm 2021, thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2020 - 2023. Lượng hàng tồn kho riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước…
Vì vậy, việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có cồn có thể tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan.
Tăng thuế dần để tránh tạo cú sốc
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, cho rằng cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống.
“Tăng thuế khiến giá đồ uống có cồn tăng lên nhưng theo văn hoá của người Việt Nam, các dịp ma chay, hiếu hỉ, lễ tết vẫn sử dụng. Như vậy, người dân sẽ phải mất thêm chi phí chứ rất khó để không sử dụng”, bà Cúc cho hay.
Nhằm tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc so tăng nhanh, đột ngột.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra.
"Có thể việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu, gây thất thu thuế cho Nhà nước", bà Cúc nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp có nhiều khả năng chuyển cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách dân tự nấu rượu, tự pha chế, không nộp thuế TTĐB, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Theo đó mục tiêu hạn chế tiêu dùng, đảo bảo sức khỏe cộng đồng khó thực hiện.
Bà Cúc cũng đề xuất thuế TTĐB với bia rượu năm đầu tiên có thể tăng 5% như dự thảo, nhưng các năm sau cần giãn ra, hai hoặc ba năm mới tăng một lần 5% để chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể chuyển đổi dần dần.
Với đề xuất của các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu về việc lùi thời gian áp dụng tăng thuế TTĐB, bà Cúc cho biết theo Chương trình xây dựng pháp luật, thuế TTĐB cũng đã đưa vào, ngoài ra còn có thuế Giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, nếu lùi thuế TTĐB, các luật khác sẽ bị kéo theo.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến nên đưa thuế thu nhập cá nhân vào sửa đổi. Vì vậy, năm 2025 nếu đưa thuế thu nhập cá nhân và lùi thời gian tăng thuế TTĐB cần tính toán đến việc cân đối thu chi ngân sách…
Tuy nhiên, nếu xét trên tình hình kinh tế hiện nay tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khó khăn thì việc lùi thời gian tăng thuế TTĐB cũng giúp doanh nghiệp giảm áp lực, tương tự như các biện pháp giảm VAT 2%, giảm 50% lệ phí trước bạ… để các doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Với nhóm nước giải khát có đường cần cân nhắc tỷ lệ đường để làm căn cứ đánh thuế, theo bà Cúc hiện trong dự thảo đang quy định là 5gr/ml nhưng cần xem xét điều kiện Việt Nam so với các nước khác.
Dẫn chứng về việc nhiều quốc gia áp dụng tỷ lệ 8 – 10gr/ml đồ uống, bà Cúc cho biết cần tham khảo thông lệ quốc tế và căn cứ trên điều kiện Việt Nam để đưa ra mức phù hợp.
Thứ hai là cần quy định cụ thể đối tượng chịu thuế, việc để chung chung là nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam chưa rõ ràng, đặc biệt là với một số trường hợp nước ép các loại quả có độ đường cao như vải, nhãn thì không chế biến lượng đường đã cao.
“Khi luật đưa ra thì cần rõ ràng, minh bạch để các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận thấy sự công bằng và lợi ích các bên được hài hoà”, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho hay.
Sử dụng biện pháp hành chính hơn là tăng thuế
Với mục tiêu thay đổi hành vi của người tiêu dùng, nhìn từ các dữ liệu lịch sử, việc tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng, theo khẳng định của ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính).
Theo số liệu mà ông Phụng dẫn ra, thống kê từ năm 2003 đến năm 2016 dựa trên số liệu của hiệp hội đồ uống và hiệp hội rượu bia và Tổng Cục thuế cho thấy trong 13 năm nay, từ lúc tiêu thụ bia/rượu bình quân đầu người 3,8 lít/người/năm tăng lên 6,6 lít/người/năm vào giai đoạn từ năm 2008 – 2010.
Đến năm 2016, thời kỳ kinh tế tăng trưởng đỉnh cao của giai đoạn vừa qua, mức tiêu thụ này lên đến 8,3 lít/người/năm. Như vậy rõ ràng từ năm 2003 đến năm 2016, rõ ràng mức độ tiêu thụ bia rượu bình quân đầu người đã tăng gấp hơn 2 lần.
Tỷ lệ người dân sử dụng rượu bia cũng trong khoảng thời gian trên tăng từ 1,4% lên 14%, gấp 10 lần trong giai đoạn này. Cũng trong thời gian này, thuế áp dụng với mặt hàng rượu bia tăng rất nhiều nhưng thực tế không điều chỉnh được hành vi của người tiêu dùng.
Cơ cấu của bia trong tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt cũng có những thay đổi từ 31% vào năm 2018 lên tới 30% vào năm 2021 (giai đoạn cao điểm COVID nhiều người dân ở nhà nên thuế ít). Đến năm 2022 khi hết COVID con số này vọt lên mức 42%. Trên 1/3 thuế tiêu thụ đặc biệt đến từ bia.
Kết luận, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt không giúp làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Hành vi của người tiêu dùng thực chất thay đổi do nghị định 100. Như vậy rõ ràng các biện pháp hành chính có tác dụng nhiều hơn thuế.
Vì vậy, Nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn đề xuất cần tiếp tục kéo dài các biện pháp hành chính, bởi theo ông, nó có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều so với sử dụng các công cụ thuế.