Tăng sốc rồi lao dốc, không phải ai cũng bắt được thời cơ khi giá vàng biến động quá nhanh
Giá vàng "nhảy múa" thất thường
Nhìn lại thị trường vàng nửa tuần qua, có thể thấy kim loại quí này đã có một đợt sóng biến động mạnh mẽ và để lại một kỉ lục ấn tượng trong lịch sử giao dịch vàng trong nước.
Theo đó sau khi đạt mức kỉ lục 49,7 triệu đồng/lượng trong ngày 24/2, giá vàng SJC cũng nhanh chóng giảm mạnh gần 3 triệu đồng/lượng vào ngày hôm sau đó.
Đà sụt giảm tiếp nối qua các phiên giao dịch cho đến đầu phiên hôm nay (27/2) giá vàng có xu hướng tăng trở lại tại một số hệ thống mặc dù vẫn cách khá xa so với mức kỉ lục vừa đạt được cách đây 3 ngày.
Tuy nhiên, khảo sát vào lúc 14h30 ngày 27/2, giá vàng trong nước lại suy yếu với mức giảm có nơi lên đến 350.000 đồng/lượng so với đầu phiên giao dịch sáng nay.
Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 46,1 chiều mua vào và 46,75 - 46,77 triệu đồng/lượng chiều bán ra, giảm 50.000 đồng ở chiều mua và giảm 200.000 đồng chiều bán so với lúc chào phiên.
Tại Tập đoàn Doji giá vàng đang niêm yết ở mức 46,11 - 46,4 triệu đồng/lượng theo chiều mua vào – bán ra, giảm 10.000 đồng/lượng ở chiều mua nhưng giảm đến 200.000 đồng/lượng ở chiều bán chỉ cách đây vài giờ đồng hồ.
Tương tự, tại Tập đoàn Phú Quý vàng SJC niêm yết giá vàng ở mức 46,11 - 47,4 triệu đồng/lượng theo chiều mua vào – bán ra, điều chỉnh mạnh ở chiều bán với mức giảm 350.000 đồng/lượng, còn chiều mua giảm 40.000 đồng/lượng.
Còn tại hệ thống PNJ, giá vàng tại đây đang giao dịch ở mức 45,7 - 46,8 triệu đồng/lượng, cùng giảm 100.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với lần khảo sát lúc 8h30 sáng.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng vẫn đang trên đà phục hồi. Theo Reuters giá vàng được thúc đẩy do lo ngại về sự bùng phát của dịch Covid-19 và tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu, làm tăng kì vọng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn.
Tại thời điểm khảo sát, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tăng 0,26% lên 1644,7 USD/ounce theo Kitco; vàng giao tháng 4 tăng 0,25% lên 1647,75 USD.
Diễn biến quá nhanh, trở tay không kịp
Đó là chia sẻ của nhiều người nắm giữ vàng khi nhìn lại đợt tăng giá kỉ lục vừa qua của tài sản trú ẩn an toàn này và tiếc nuối vì không kịp thu lời.
Anh P. D (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết cuối tuần trước khi giá vàng còn đang ở mức hơn 45 triệu đồng/lượng anh có mua vào 5 lượng vàng.
"Khi giá vàng lên 'hỗn' từ 46 triệu lên 48 triệu đồng và vọt đến 49 triệu đồng chỉ trong vài giờ đồng hồ, tôi tưởng rằng vàng sẽ vọt lên 50 triệu/lượng hoặc hơn thế nữa, nhưng đến sáng hôm sau thị trường vừa mở cửa giá đã quay đầu xuống chỉ còn 46 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào.
Bán ra lúc ấy là lỗ mất ngay 2 triệu đồng/lượng nên thôi cứ giữ tiếp vì tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn chưa được kiểm soát, nhiều dự báo nói rằng giá vàng có thể sẽ lại tăng tiếp”, anh P.D chia sẻ.
Trong khi đó, chị N. (quận Gò Vấp, TP HCM) cho hay trong ngày vàng tăng giá cao đã đến tiệm vàng chuẩn bị bán ra nhưng cuối cùng lại không thể chốt lời.
"Cuối năm ngoái tôi dành dụm được hơn 3 lượng vàng với giá 42,5 triệu đồng/lượng, lúc vàng tăng lên 49 triệu đồng/lượng, vàng mua vào cũng hơn 47 triệu đồng, tôi rất lượng lự giữa việc giữ hay bán. Lúc ấy nếu bán ra tôi lời mỗi lượng gần 5 triệu nhưng sợ bán ra mà giá tăng nữa thì không mua lại được”, chị N. chia sẻ.
Thực tế, nếu người dân mua vàng từ trước tết với mức giá trong khoảng 41 - 42 triệu đồng/lượng, mỗi lượng vàng chốt lời ở vùng giá 47 triệu đồng/lượng hôm 24/2 cũng đã mang về khoảng 5 - 6 triệu đồng/lượng. Thậm chí, mua ngày vía Thần tài với giá 44 triệu đồng/lượng, cũng lời khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, diễn biến tăng giảm quá nhanh của giá vàng khiến nhiều người không kịp chốt lời. Hai ngày sau đó 25 và 26/2, tại nhiều tiệm vàng người dân vẫn đứng chen nhau, canh giá tốt để bán nhưng rất nhiều người đã tiếc nuối vì không kịp chốt lời giá vàng đã lao dốc không phanh.
Theo các chuyên gia nguyên nhân giá vàng thế giới và giá vàng trong nước tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt vào ngày 24/2 gần đạt mốc 50 triệu đồng/lượng là do dịch Covid-19 lây lan với tốc độ nhanh trên toàn cầu.
Đặc biệt, các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu cũng đang bị tác động bởi dịch bệnh. Dịch cúm ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường hàng hóa, chứng khoán và hoạt động của các doanh nghiệp đã làm tăng nhu cầu đầu tư trú ẩn an toàn do đó giúp vàng hưởng lợi nhiều hơn.
Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng: "Giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 nhưng việc đầu cơ, nắm giữ để chờ giá lên là vấn đề rất rủi ro vì giá vàng biến động rất bất thường".
Do đó, chuyên gia khuyên cáo rằng nhà đầu tư cần cẩn trọng trong bối cảnh giá vàng biến động như hiện nay, nên đa dạng hóa tài sản như gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, bất động sản... thay vì xem vàng là kênh đầu tư bền vững mà "bỏ trứng vào một giỏ".