|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng cường tìm kiếm đối tác Nhật Bản cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt

15:16 | 08/07/2020
Chia sẻ
Để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu và phát triển, đầu tư trang thiết bị hiện đại, gia tăng hàm lượng kĩ thuật, hàm lượng công nghệ cho sản phẩm.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết ngày 7/7, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Tokyo tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản.

Hội nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tìm đối tác hợp tác gia công, sản xuất, liên doanh, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sang thị trường Nhật Bản ngay trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến khó lường.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những chính sách ưu tiên của chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh kinh tế Việt Nam.

Chính phủ và các bộ, ngành liên quan của Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ phát triển và chính sách ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam.

Tăng cường tìm kiếm đối tác Nhật Bản cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt - Ảnh 1.

Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: Bộ Công Thương.

Về phía Bộ Công Thương, thời gian qua đã có nhiều hoạt động phối hợp với các bộ, ngành triển khai đa dạng các biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và hỗ trợ kết nối với đối tác nước ngoài. 

Trong số các giải pháp đó là tăng cường phối hợp tổ chức tuyên truyền và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ về cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức các sự kiện kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước ngoài.

Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, hợp tác công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản còn chưa tương xứng với tiềm năng đang có. 

Để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu và phát triển, đầu tư trang thiết bị hiện đại, gia tăng hàm lượng kĩ thuật, hàm lượng công nghệ cho sản phẩm. 

Khi đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng gia công, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn, tiến tới trở thành đối tác liên doanh, liên kết bình đẳng với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật… phù hợp với nhu cầu đặt hàng sản xuất của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.

Bà Uchida Tomoko, Giám đốc chiến lược kinh doanh của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Tokyo cho biết, hiện nay, có nhiều công ty Nhật Bản đang mở rộng qui mô tại Việt Nam. 

Thông qua hội nghị giao thương trực tuyến ngày hôm nay, bà Uchida hi vọng doanh nghiệp hai bên có thể tạo ra những kết nối và hợp tác kinh doanh hiệu quả nhất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Tham dự hội nghị lần này, phía Nhật Bản gồm các doanh nghiệp đang có nhu cầu đặt hàng sản xuất, tìm đối tác gia công, đối tác hợp tác kĩ thuật để phát triển sản phẩm, đối tác liên doanh hoặc nhập khẩu từ Việt Nam đa dạng các sản phẩm, linh kiện trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: sản phẩm được xử lí thông qua hệ thống máy móc gia công cơ khí (máy tiện CNC, máy hàn, hệ thống gia công dùng tia lửa điện…); các thiết bị, máy móc và phụ tùng nông nghiệp; khung, chân đế các loại; tấm lợp kim loại cho bảng gấp; lõi đồng; khuôn đúc, khuôn mẫu; linh kiện nhựa, sản phẩm từ công nghệ ép phồng; thiết bị nội thất ô tô...

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia chào hàng, giới thiệu năng lực và nhu cầu hợp tác đến từ 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hưng Yên và Long An.

Như Huỳnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.