|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lần đầu kết nối trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực hàng tiêu dùng

16:15 | 01/07/2020
Chia sẻ
5 tháng đầu năm 2020, bất chấp dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản vẫn đạt 15,6 tỉ USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kì năm 2019.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 30/6, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN, Nhật Bản (AJC) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Nhật Bản.

Đây là Hội nghị giao thương trực tuyến đầu tiên trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam được tổ chức với thị trường Nhật Bản.

Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm tiêu dùng các loại của Việt Nam đến từ 8 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đông, Long An và Quảng Ngãi.

Phát biểu khai mạc hội nghị giao thương, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong những năm qua. Nhật hiện là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2020, bất chấp dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản vẫn đạt 15,6 tỉ USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kì năm 2019. 

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 7,83 tỉ USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 7,77 tỉ USD.

Lần đầu kết nối trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - Ảnh 1.

Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: Bộ Công Thương.

Đối với quan hệ đầu tư, Nhật Bản cũng đứng top 4 trong số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn đầu tư đăng ký đạt 1,27 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm nay.

Khẳng định Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn nhiều tiềm năng để hợp tác thương mại, ông Vũ Bá Phú cho biết, cơ cấu hàng hóa của hai nước không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau. 

Cụ thể, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại… trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này. 

Mới đây, hơn 2 tấn vải thiều Việt Nam đã được chính thức nhập khẩu vào Nhật Bản và được người tiêu dùng tại Nhật Bản đón nhận, tiêu thụ nhanh chóng tại hệ thống siêu thị ở Tokyo, Osaka và đánh giá cao về chất lượng.

Ngoài ra, theo ông Vũ Bá Phú, Việt Nam và Nhật Bản hiện đang là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Các hiệp định này sẽ tạo nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi cho mở rộng hợp tác giao thương giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những triển vọng hợp tác cùng gia nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.

Lần đầu kết nối trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - Ảnh 2.

Ông Fujita Masataka, Tổng Thư kí AJC. Ảnh: Bộ Công Thương.

Cũng tại hội nghị giao thương trực tuyến, ông Fujita Masataka, Tổng Thư kí AJC đã giới thiệu tới doanh nghiệp Việt Nam những qui định của nước này khi nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng thực phẩm.

Theo ông Shibata Masayuki, khi thực hiện nhập khẩu vào Nhật Bản, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tuyệt đối chú ý phải triển khai trên cơ sở đã xác nhận với đối tác thương mại về quí định này.

"Hàng hóa nhập khẩu đã cập cảng tại Nhật Bản, sau khi được kiểm dịch động, thực vật, báo cáo nhập khẩu thực phẩm và quá trình thẩm định cho thấy không có vấn đề gì thì mới được chuyển qua thủ tục nhập khẩu.

Ngoài ra, khi thông quan, thực phẩm hay đồ đựng thực phẩm, bao bì phải được làm thủ tục báo cáo theo Luật vệ sinh thực phẩm", ông Shibata Masayuki phân tích.

Riêng đối với sản phẩm dệt may, Tổng Thư kí AJC lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam cần thông báo cho nhà nhập khẩu về nguyên vật liệu và cách thức dệt may để thời gian thông quan được nhanh chóng. Đối với các mặt hàng như xà phòng, mỹ phẩm, dược phẩm thì phải áp dụng theo Luật dược phẩm.

Như Huỳnh