|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tăng cung nhưng chớ quên tạo cầu!

16:00 | 10/12/2016
Chia sẻ
Những đợt thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn có giá trị lên tới hàng tỉ đô la Mỹ đòi hỏi một nguồn cầu cực lớn. Nếu không khéo léo trong cách thức bán, người thiệt hại đầu tiên và lớn nhất trong vấn đề này sẽ chính là ngân sách quốc gia. 

Ồ ạt niêm yết

Thị trường chứng khoán (TTCK) hai tháng cuối năm đang chứng kiến làn sóng đổ bộ niêm yết ồ ạt của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn. Những cái tên không thể không nhắc đến trong làn sóng này là Habeco, Sabeco, ACV, Cholimex...

Cụ thể, cuối tháng 10 vừa qua, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã đưa 231,8 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCom sau tám năm cổ phần hóa với không ít lần trễ hẹn. Vốn điều lệ của Habeco là 2.318 tỉ đồng, giá khởi điểm là 39.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mức giá này dường như quá thấp so với mức định giá của thị trường khi cổ phiếu BHN đã tăng chín phiên liên tiếp sau khi niêm yết, đạt mức giá cao nhất 137.000 đồng/cổ phiếu trước khi giảm trở lại và ổn định quanh mức 110.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. Diễn biến tăng nóng của cổ phiếu Habeco càng khiến giới đầu tư trông đợi vào ngày niêm yết của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trên sàn HOSE.

tang cung nhung cho quen tao cau

Vốn điều lệ của Sabeco là trên 6.412 tỉ đồng, gấp 2,7 lần vốn điều lệ của Habeco. Với hiệu quả kinh doanh tương đối tốt, thị phần áp đảo trên cả nước cùng tiềm năng tăng trưởng lớn, Sabeco hiện đang là cái tên nổi bật nhất trong làng bia Việt Nam. Mức định giá lên sàn của Sabeco là 110.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ riêng với mức giá này, khi niêm yết, Sabeco sẽ trở thành công ty tỉ đô la Mỹ bởi cổ phiếu có lượng vốn hóa lên tới hơn 70.000 tỉ đồng, lớn thứ 5 trên sàn HOSE sau Vinamilk, Vietcombank, PV Gas và Vingroup. Kịch bản tăng trần liên tiếp sau khi niêm yết hoàn toàn có thể xảy ra với Sabeco khi mức giá 110.000 đồng/cổ phiếu chỉ ngang với mức giá hiện đang giao dịch của “người anh em” Habeco, trong khi Sabeco được đánh giá cao hơn rất nhiều.

Ngoài hai cổ phiếu làng bia kể trên thì Tổng công ty Cảng hàng không việt Nam (ACV) cũng là cái tên không thể không nhắc đến trong các đợt niêm yết gần đây. Dù hứa hẹn với cổ đông sẽ đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn UpCom không muộn hơn cuối tháng 6, đầu tháng 7-2016, nhưng phải đến ngày 22-11 vừa qua, ACV mới niêm yết 2,17 tỉ cổ phiếu trên sàn UpCom. Với mức vốn 21.771 tỉ đồng, ACV hiện là một trong những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trên TTCK. Giao dịch tích cực của ACV sau khi niêm yết được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng “cất cánh” cho các công ty hoạt động trong ngành hàng không, trong đó có “ông lớn” Vietnam Airlines cũng dự định sẽ sớm niêm yết trong một vài tháng tới.

Diễn biến khối ngoại bán ròng liên tục, khiến cổ phiếu Vinamilk rớt giá ngay trước thời điểm diễn ra đợt thoái vốn của (SCIC) là một ví dụ vô cùng sinh động, đặt ra nhu cầu cấp thiết phải có cách thức tạo cầu và chọn thời điểm thoái vốn Nhà nước một cách khéo léo.

Bán sao cho khéo

Làn sóng niêm yết của các DNNN lớn chỉ thực sự được khởi động kể từ tháng 9 năm nay sau khi Chính phủ khẳng định thông điệp “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa”. Việc thúc đẩy Habeco, Sabeco lên sàn sau nhiều năm chây ỳ và tới đây (ngày 12-12) sẽ tổ chức phiên đấu giá bán bớt cổ phần của Nhà nước tại Vinamilk là những dẫn chứng cho quyết tâm trên của Chính phủ.

Việc niêm yết của các DNNN đã được quy định rất cụ thể trong Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg. Theo đó, các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chuyển sang công ty cổ phần trước ngày 1-11-2014 sẽ phải hoàn tất đăng ký giao dịch và niêm yết trước ngày 1-11-2015. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, vì nhiều lý do, nhiều DNNN vẫn thất hứa niêm yết với cổ đông. Việc các DNNN chây ỳ lên sàn đã ít nhiều gây mất niềm tin trong giới đầu tư vì cổ phiếu họ mua xong bị “nhốt” tới 7-8 năm không có nơi giao dịch công khai. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư quay lưng với nhiều đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các DNNN.

Nhận biết được thực tế này, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ tháng 11-2016) sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Mức phạt cao nhất lên đến 400 triệu đồng nếu doanh nghiệp trong diện không chịu đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc thực hiện quá thời hạn trên 12 tháng. Ngoài ra, Thông tư 115/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 196/2011/TT-BTC cũng được Bộ Tài chính ban hành nhằm hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Tuy nhiên, sau khi khơi thông được nguồn cung hàng hóa có chất lượng thì vấn đề đặt ra là làm sao để nâng đỡ cầu? Những đợt thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn có giá trị lên tới hàng tỉ đô la Mỹ đòi hỏi một nguồn cầu cực lớn.

Diễn biến khối ngoại bán ròng liên tục, khiến cổ phiếu Vinamilk rớt giá ngay trước thời điểm diễn ra đợt thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là một ví dụ vô cùng sinh động, đặt ra nhu cầu cấp thiết phải có cách thức tạo cầu và chọn thời điểm thoái vốn nhà nước một cách khéo léo.

Cho đến nay, những giải pháp nhằm tăng cầu cho thị trường như cho phép giao dịch T0 hay nới room cho nhà đầu tư nước ngoài dù đã được nhắc đến từ lâu nhưng hành lang pháp lý hiện vẫn chưa được đồng bộ và hoàn chỉnh. Theo bảng phân loại của MSCI, Việt Nam vẫn chỉ được xếp vào nhóm các thị trường cận biên chứ chưa được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi nên sẽ rất khó để thu hút các quỹ đầu tư lớn trên thế giới.

Rất có thể áp lực bội chi ngân sách (11 tháng đầu năm đã hơn 167.000 tỉ đồng) cùng tỷ lệ nợ công đang áp sát trần (65% GDP) đang khiến Chính phủ không thể chần chừ hơn nữa trong định hướng thoái bớt vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Tuy vậy, nếu không khéo léo trong cách thức bán, người thiệt hại đầu tiên và lớn nhất trong vấn đề này lại chính là ngân sách quốc gia.

Linh Trang