|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tâm lý thích cuộc sống ổn định cản trở phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam

18:58 | 14/01/2018
Chia sẻ
Vốn đầu tư đắt, tâm lý sợ mạo hiểm là hai trong số những yếu tố cản trở phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam.

Navigate Hanoi, sự kiện khởi nghiệp do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức, diễn ra tại khách sạn Lotte, Hà Nội hôm 12/1. Phát biểu tại sự kiện, chị Nguyễn Thị Lệ Quyên, một cán bộ của Cơ quan Phát triển Doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp mới tăng rất nhanh từ năm 2014 tớ nay. 127.000 doanh nghiệp ra đời trong năm 2017, tăng hơn 15% so với năm trước.

"Thực trạng đó chứng tỏ tinh thần khởi nghiệp của người Việt đang mạnh dần. Số lương công ty khởi nghiệp tăng rất nhanh trong vài năm qua. Họ kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như giao vận, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, công nghệ y tế", chị Quyên bình luận.

Giới khởi nghiệp công nghệ tìm thấy rất nhiều cơ hội ở Việt Nam, theo chị Quyên, bởi những lý do như dân số lên tới 94 triệu, số người sử dụng Internet vào khoảng 53 triệu, còn số người sử dụng mạng xã hội là 46 triệu, số lượng điện thoại đang hoạt động đạt 43 triệu.

tinh than dam mao hiem de khoi nghiep o viet nam con thap
Bài thuyết trình về hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ở Việt Nam trong sự kiện Navigate Hanoi hôm 12/1. Ảnh: Chí Phong

Khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm và ngân hàng đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và số này đang tăng. Phần lớn quỹ và ngân hàng đầu tư là tổ chức nước ngoài. Trong bối cảnh mối quan tâm đối với đầu tư khởi nghiệp của các doanh nghiệp trong nước tăng mạnh, chính phủ đang soạn thảo khung pháp lý cho các quỹ đầu tư.

Một số mạng lưới "nhà đầu tư thiên thần" trong nước đã và đang hình thành. Tuy nhiên, phần lớn nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam không xuất hiện. Họ chỉ rót vốn chứ không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Số lượng nhà đầu tư thiên thần có chuyên môn và kiến thức rất thấp, nhưng con số này đang tăng dần.

Về "vốn xã hội", Việt Nam cũng có nhiều lợi thế. Người Việt hiếu học và có khả năng nắm bắt kiến thức, công nghệ mới khá nhanh. Chúng ta cũng thích mở rộng quan hệ xã hội và tham gia các mạng lưới, cộng đồng.

Bất chấp những lợi thế đó, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn "chập chững". Mặc dù một số start-up đã trở nên nổi tiếng như Tiki, Foody, Cốc Cốc, Kyna, JupViec, giới khởi nghiệp Việt Nam chưa có nhiều công ty có tiềm năng trở thành "kỳ lân" (có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên).

"Kỳ lân có vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp. Những người sáng lập và điều hành các kỳ lân có thể trở thành nhà đầu tư và cố vấn cho các start-up tiếp theo, nhờ đó mà làn sóng khởi nghiệp lan tỏa", chị Quyên giải thích.

tinh than dam mao hiem de khoi nghiep o viet nam con thap
Nguyễn Thị Lệ Quyên, một cán bộ của Cơ quan Phát triển Doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu về hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia hôm 12/1. Theo chị, không dám mạo hiểm là một trong những vấn đề của giới trẻ Việt Nam. Ảnh: Chí Phong

Vốn mạo hiểm khá đắt là một thiệt thòi nữa đối với giới khởi nghiệp ở Việt Nam.

"Ở những quốc gia có hệ sinh thai khởi nghiệp phát triển như Mỹ, công ty khởi nghiệp có thể huy động tới một triệu USD cho 10% cổ phần. Nhưng ở Việt Nam, với cùng tỷ lệ cổ phần, họ chỉ huy động được 100.000 hoặc 200.000 USD", chị Quyên khẳng định.

Một trở ngại nữa đối với phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam là tinh thần mạo hiểm của người Việt Nam vẫn ở mức thấp. Phần lớn người dân, bao gồm giới trẻ, có xu hướng thích cuộc sống ổn định, không phiêu lưu. Nhận thức về khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân chỉ ở mức trung bình.

"Điểm đáng mừng là nhận thức về khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân ở người Việt đang tăng", chị Quyên phát biểu.

Một công ty khởi nghiệp thuyết trình sản phẩm trong sự kiện Navigate Hanoi

Chí Phong

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.