Tấm khiên mỏng của doanh nghiệp Việt trước mũi giáo nhọn của doanh nghiệp ngoại
Một ngày giữa tháng 6, một giám đốc doanh nghiệp ngành nông nghiệp lo lắng chia sẻ về tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa trong giai đoạn sắp đến.
Nguyên nhân mà ông này đưa ra đến từ việc hàng hoá từ khu vực ASEAN, đặc biệt là từ Thái Lan đổ xô vào Việt Nam khiến sản phẩm của doanh nghiệp bị cạnh tranh gay gắt. Biện lợi nhuận mỏng dần trong khi các chi phí ngày càng tăng. Nguy cơ thua lỗ đang rình rập.
Mới đây, sự kiện hàng loạt đơn vị cung ứng mặt hàng dệt may trong nước vừa bị chuỗi siêu thị Big C loại ra khỏi kệ. Sự việc đã khơi lại mối lo hàng Việt có nguy cơ bị đánh bật khỏi các siêu thị do nước ngoài sở hữu, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập.
Những công nhân của các công ty ngành hàng may mặc phản đối việc Big C tạm ngưng nhập hàng của họ hôm 3/7. (Ảnh: Như Huỳnh).
Nhìn một cách bao quát hơn, các chuyên gia kinh tế lo ngại khối doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang dần bộc lộ rõ sự thất thế trước cuộc chơi hội nhập. Cụ thể là chậm chân trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và dần dần rời khỏi cuộc đua.
Trong hội nghị đầu tư diễn ra trong quý I năm nay, hầu hết chuyên gia kinh tế đều tỏ ra quan ngại với sự mất cân đối trong cấu trúc tổng thể của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, khi mà hơn 80% doanh nghiệp vẫn chỉ tập trung vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và một số lĩnh vực tạo giá trị gia tăng thấp; trong khi lượng các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến là không nhiều.
Tấm khiên mỏng trước những mũi giáo nhọn
Thực tế, với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, ngay cả những người kinh doanh giỏi nhất trong lĩnh vực của mình cũng luôn rất cẩn trọng với việc đầu tư mở rộng.
Bà Lê Hải Liễu, Chủ một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đồ gỗ có hiệu quả hoạt động với tỷ suất sinh lời trên vốn (ROE) bình quân trên 30% mỗi năm, công ty lại hoàn toàn sạch nợ nhưng lại là một trong những người chủ mang trong mình tính cách "không chịu lớn" đó.
Trong các cuộc nói chuyện trước cổ đông hàng năm, bà Liễu luôn thoái thác những yêu cầu của cổ đông như: "hãy làm to hơn nữa" hay "vì sao không di dời nhà máy sang chỗ mới nhằm khai thác bất động sản để tăng lợi nhuận".
Vốn từng là giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM cách đây hơn 30 năm, cùng với tính cách thận trọng, bà Liễu vẫn giữ nguyên lập trường là việc đầu tư mở rộng hoạt động luôn phải có những phân tích kỹ và đúng thời điểm chứ không thể nóng vội.
Theo lý giải của bà Liễu, với lãi suất cho vay như những năm qua là rất khó chắc ăn để có thể tạo ra lợi nhuận. Thay vào đó, Bà chấp nhận chậm lớn để chờ đợi thời cơ tốt hơn.
Lãi suất bình quân tại Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan (nguồn: HSC)
Lãi suất từ lâu vẫn là bài toán hóc búa của nền kinh tế Việt Nam.
Theo một chuyên gia tư vấn dự án, có rất ít cơ hội cho doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận dương trên mức lãi suất cho vay thực tế trên 10% như hiện nay. Đó là lý do các doanh nghiệp sản xuất thực sự e ngại việc đầu tư mở rộng sản xuất. Và không mở rộng được quy mô, tốc độ phát triển doanh nghiệp chậm lại.
Chẳng hạn như năm 2010, một doanh nghiệp xản xuất thép tại Bình Dương mặc dù đã lên kế hoạch chi tiết, thuê đất khu công nghiệp nhưng cuối cùng cũng buộc phải tạm hoãn dự án xây dựng nhà máy có mô 160 triệu USD đến đầu năm 2013 mới có thể khởi công.
Nguyên nhân chính yếu cũng từ vấn đề lãi suất đã tăng mạnh, vượt ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp hai năm sau đó.
Trong khi đó cùng thời điểm, một bộ phận doanh nghiệp và người dân tìm đến ngân hàng như để tìm cơ hội sinh lợi nhiều hơn là đầu tư. Làn sóng rót tiền vào bất động sản nở rộ. Số khác thì xem gởi tiền tiết kiệm, vàng như một kênh đầu tư khiến lãi suất đầu ra cứ vừa dịu xuống đã vội tăng.
Phạm Mỹ - một doanh nhân gốc Việt là công dân toàn cầu cho biết rằng, ông chưa thấy ở đâu mà người dân bàn chuyện về đất đai nhiều như ở Việt Nam.
Ông dẫn chứng rằng ở Mỹ, người dân hầu như chỉ quan tâm đến một việc quan trọng nhất, đó chính là việc làm.
Thực trạng đó cho thấy, mối lo ngại của các chuyên gia về sự mất cân bằng về cấu trúc tổng thể của khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang rất thực tế.
Lãi suất quyết định cuộc chơi
Trong khi đó, câu chuyện Big C đào thải hàng Việt Nam nếu nhìn ở một góc độ khác thì đó cũng xuất phát chính từ việc các nhà đầu tư nước ngoài đang dần đánh chiếm các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế Việt Nam.
Những năm gần đây, Thái Lan và Hàn Quốc đang là 2 quốc gia dẫn đầu trong các thương vụ M&A có quy mô lớn nhất thị trường Việt Nam. Sau những cái tên như Sabeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Big C, PV OIL,…
Hiện các tỉ phú Thái và các đế chế khổng lồ Hàn Quốc như SK, CJ,… vẫn đang nuôi tham vọng thâu tóm các doanh nghiệp hàng đầu trong từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Vậy đâu là bệ đỡ giúp các ông chủ người Thái, hay các "ông lớn" Hàn Quốc bạo chi những khoản tiền lớn để mua bằng được cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam với giá cao như trường hợp Sabeco hay Vinamilk?
Lãi suất cơ bản được NHTW Thái Lan giữ ở mức thấp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư
Hãy nhìn vào biểu lãi suất của họ. Thái Lan và Hàn Quốc, với nền tảng tích luỹ và nguồn lực kinh tế sẵn có, lãi suất đang là công cụ được sử dụng để thúc đẩy chiến lược đầu tư ra ngoài biên giới. Đích đến là Việt Nam.
Chẳng hạn như để tài trợ vốn cho thương vụ mua Sabeco, năm 2018, ThaiBev phát hành trái phiếu với tổng giá trị là 1,6 tỉ USD với lãi suất bình quân 2,83%/năm và kì hạn bình quân hơn 6 năm. Đây là mức lãi suất mà Chuyên gia nghiên cứu cổ phiếu Ngân hàng DBS của Singapore, ông Andy Sim cho rằng, quá hấp dẫn để đầu tư.
Hay đối với các công ty đến từ Hàn Quốc, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đang chỉ phải trả lãi suất khoảng 4,5%/năm cho các khoản vay từ Hàn Quốc. Đây là mức lãi suất quá "hời" đối với một công ty hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như chứng khoán và thấp chỉ bằng một nửa lãi suất cho vay tại Việt Nam.
Rõ ràng, ưu thế về vốn rẻ đang giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan đang dần chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối diện với muôn vàn khó khăn với lãi suất cao.
Có vẻ như, chừng nào bài toán lãi suất còn chưa được giải quyết, sân nhà sẽ không còn là lợi thế của các doanh nghiệp nội nữa.