|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kỷ nguyên của người Hàn tại Việt Nam

13:15 | 05/07/2019
Chia sẻ
Làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc đang ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam.

Cách đây chừng 5 năm, những dãy phố trên trục đường Nguyễn Đức Cảnh, Phạm Văn Nghị thuộc khu Sky Graden, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM vốn đã tập trung đông đúc các nhà hàng, quán ăn phục vụ cho cả thực khách Hàn Quốc và người bản địa. 

Ngày nay, đó không còn là hiện tượng nữa mà đã và đang trở thành xu thế, bởi ngày càng nhiều người Hàn đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam, kéo theo dịch vụ đi kèm ngày càng nở rộ. Đến nổi, giờ nhiều người ví nơi đây như một "lãnh địa" của cư dân xứ kim chi.

Điểm đến số 1 

Việt Nam giờ đây như là chiếc cầu nối giữa Hàn Quốc và ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều chiếm đến 40% tổng quy mô trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN

Sau 27 năm từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều đến cuối 2018, đã vượt mức 66 tỉ USD từ mức chỉ 500 triệu USD của năm đầu tiên.

Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ thứ hai Việt Nam chỉ sau Trung Quốc. Và với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Hàn Quốc sẽ được dự báo sẽ nhanh chóng vươn lên vị trí số một.

Ở trong nước, Hàn Quốc đã vượt lên trên Nhật Bản dẫn đầu bảng tổng sắp các nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam từ năm 2014 đến nay. Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch đầu tư công bố cuối tháng 6/2019, Hàn Quốc dẫn đầu khối các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 64,55 tỉ USD, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư nước ngoài.

Dần dần, nền kinh tế Việt Nam đã thực sự phụ thuộc rất lớn vào tình hình làm ăn của các doanh nghiệp xứ Hàn. Chỉ riêng Samsung Việt Nam, doanh nghiệp FDI có quy mô lớn nhất Việt Nam, đã góp đến khoảng 1/4 GDP Việt Nam.   

Năm ngoái, tổng doanh thu của 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam đã cán mốc doanh số 65,7 tỉ USD, chiếm khoảng 30% doanh số Samsung toàn cầu. Qua đó, Việt Nam vượt qua Trung Quốc trở thành căn cứ địa lớn nhất của Samsung trên tại thị trường nước ngoài.

Đầu tư vào Việt Nam từ năm 1996 với một liên doanh quy mô nhỏ, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã đạt mức 17,3 tỉ USD cuối năm 2018 với 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) lớn nhất Đông Nam Á.

vnhq

(Nguồn: Nikkei Asian Review)

Nối tiếp theo nhau

Kể từ khi Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, xem đây là một địa bàn đầu tư chiến lược thì hầu hết công ty lớn của Hàn Quốc đều đã đặt chân đến Việt Nam tìm cơ hội.

Sau những tên tuổi toàn cầu đi trước như Samsung, LG, Huyndai, các tập đoàn lớn khác như CJ, Kumho, Doosan, Hyundai, GS, Posco, SK vẫn đang trên đà mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Tiếp theo là những vệ tinh xung quanh, các nhà cung ứng đến đầu tư và thiết lập nhà máy tại Việt Nam.

Tại Khu kinh tế Dung Quất, cộng đồng người Hàn Quốc ngày càng đông đúc. Dẫn đầu là Doosan Vina - thuộc Tập đoàn công nghiệp nặng Doosan Hàn Quốc. Nhà máy công ty này được chính thức đi vào hoạt động năm 2009 với tổng vốn đầu tư 260 triệu USD, sản lượng mà Doosan Vina xuất khẩu đạt đạt hơn 1,5 tỉ USD.

Năm 2018, trong cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Doosan công bố mong muốn phát triển kinh tế Việt Nam hơn nữa. Đồng thời, doanh nghiệp này đã hỗ trợ cho 6 doanh nghiệp Hàn Quốc khác đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất. Đó là các doanh nghiệp phụ trợ cung cấp các dịch vụ đóng gói và hậu cần cũng như tham gia vào việc sản xuất các linh kiện điện tử.

Không chỉ với các ông lớn, các doanh nghiệp vệ tinh đi theo sau cũng đã xem Việt Nam là một thị trường đầy cơ hội. Tờ Chosun Ilbo dẫn lời giám đốc một công ty xây dựng tại Seoul mở văn phòng ở Việt Nam hồi tháng 2/2018 nói rằng, Việt Nam thích hợp để kinh doanh vì ít sợ bị lộ công nghệ hơn tại Trung Quốc và đất nước này cũng có nền chính trị ổn định.

pictures_library__11990_180822160542_9944

Bên trong công xưởng của Doosan tại Dung Quất. (Nguồn: Doosan Vina)

Nếu như khởi đầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu là công nghiệp, thương mại dịch vụ thì đến nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã dàn quân trên khắp các mặt trận, từ lĩnh vực công nghiệp chế tạo, xây dựng, bất động sản, tài chính, cho đến năng lượng, logistics, nông nghiệp, bán lẻ,…

Tại quận Gò Vấp, TP HCM, siêu thị Emart Việt Nam đang nổi lên là một siêu thị đông đúc khách hàng mua sắm từ vật dụng gia đình đến thực phẩm tươi sống. Dù mới hoạt động năm 2015, tập đoàn bán lẻ Emart Hàn Quốc đang cho thấy sự am hiểu thị hiếu và đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Sau thành công của Emart 1, tháng 5/2018, Tập đoàn này đã công bố khởi công dự án trung tâm thương mại – siêu thị Emart 2 cũng tại Gò Vấp. Emart 2 có diện tích sàn xây dựng khoảng 35.000 m2, bao gồm 11.000 m2 dành cho hầm để xe và 3 tầng nổi dành cho khu vực bán hàng, kinh doanh sản phẩm.

Trước Emart, Tập đoàn Lotte sau 10 năm có mặt tại Việt Nam đã phát triển 13 trung tâm thương mại và siêu thị khắp các đô thị lớn. Mới đây, Lotte tiếp tục khai trương thêm 1 trung tâm thương mại nữa ở Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Sự bùng nổ làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam không thể thiếu các định chế tài chính bản địa đi cùng. 

Trong vòng ba năm qua, Shinhan Hàn Quốc là cái tên gây nhiều chú ý nhất. Sau khi khi mua lại mảng bán lẻ của ANZ, Shinhan Việt Nam tiếp tục bỏ ra hơn 150 triệu USD để mở rộng hoạt động cho vay khách hàng cá nhân bằng việc mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam. 

Rõ ràng, đích đến của Shinhan không chỉ dừng ở cung cấp tín dụng, thanh toán cho các công ty từ Hàn Quốc mà còn đặt mục tiêu trở thành một ngân hàng địa phương như bao ngân hàng nội địa khác.

Ngắm cổ phần doanh nghiệp nội

Song song với đầu tư trực tiếp, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang là những tay chơi sẵn tiền nhất trong việc đầu tư góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. 

"Trong khi các nhà đầu tư Âu Mỹ đang chờ cú hích mới từ chính sách lãi suất từ nước mẹ thì nhà đầu tư Hàn Quốc cứ như một mình một ngựa trên thị trường chứng khoán Việt Nam", đại diện của một quỹ đầu tư nói.

Gần đây, Tập đoàn SK Group – gã khổng lồ Hàn Quốc trong các lĩnh vực năng lượng, hóa chất, viễn thông, bán dẫn, logistics và dịch vụ có quy mô tài sản cuối năm 2018 đạt 184 tỉ USD đã trở thành cái tên có sức hút nhất trong giới đầu tư khi chi bạo tới 470 triệu USD để sở hữu 9,5% cổ phần của Tập đoàn Masan -  đơn vị sở hữu 99% cổ phần Masan Resources và 1 tỉ USD để đổi lấy 6% vốn Vingroup với mức giá lên đến 113.000 đồng/cp.

Không lâu sau đó, TTXVN tại Seoul cho biết các quan chức hàng đầu của SK đã đến một khu kinh tế ở Hải Phòng, thành phố cách Hà Nội 90 km về phía Đông Nam để thăm nhà máy sản xuất điện thoại thông minh và một nhà máy sản xuất ô tô của Vingroup. Cùng ngày, ban lãnh đạo SK cũng đã gặp ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan, tập đoàn lớn thứ hai của Việt Nam.

SK đến nay cũng đã sở hữu 5,23% cổ phần PV OIL, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đứng thứ 2 thị phần xăng dầu Việt Nam. 

Dù đã phân phối sản phẩm dầu nhớt SK ZIC tại Việt Nam, SK được đồn đoán là đang thâm nhập sâu hơn vào thị trường dầu nhớt nội địa thông qua việc mua cổ phần của Petrolimex và một doanh nghiệp tư nhân khác trong ngành hoá dầu, đồng thời sẵn sàng mua thêm cổ phần PV OIL một khi nhà nước thoái vốn.

Định hướng mở rộng đầu tư thông qua việc mua cổ phần của SK khá rõ ràng khi tháng 8/2018, SK Holdings và 4 thành viên khác của SK Group đã thành lập quỹ đầu tư SK South East Asia Investment tại Việt Nam. 

Theo một số phân tích, với quy mô của SK, M&A là con đường ngắn nhất để đến với thị trường Việt Nam và là bàn đạp để đưa sản phẩm qua bên kia biên giới Lào và Campuchia với chi phí thấp hơn.

Ở những mảnh đất khác, những thương vụ có quy mô nhỏ hơn vẫn âm thầm diễn ra. 

Mới đây, CMC Group – một công ty công nghệ lớn tại Việt Nam công bố sẽ phát hành 25 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Samsung SDS, công ty con Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) trong lĩnh vực ICT, chuyên về giải pháp IT và logistics. 

Cùng thời điểm, Huyndai Elevator – hãng thang máy Hàn Quốc cũng đã chi 575 tỉ đồng để sở hữu 25 triệu cổ phiếu HBC của Công ty Xây dựng Hoà Bình trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa hai bên.

Sau khi thất bại trước Masan trong việc giành mua cổ phần tại Vissan, CJ cuối cùng đã tìm đến các doanh nghiệp khác có quy mô nhỏ hơn Thực phẩm Minh Đạt và Cầu Tre.  Đồng thời, CJ cũng cho biết đã đầu tư 1.200 tỉ đồng vào khu công nghiệp Hiệp Phước (TP HCM) để xây dựng khu phức hợp chế biến, nghiên cứu, phát triển công nghệ thực phẩm.

CJ cũng được cho là cái tên tiềm năng trong cuộc đua nắm quyền sở hữu tại công ty logistics, cảng biển lớn nhất nội địa – Gemadept. Năm 2018, Gemadept đã chuyển nhượng vốn tại 3 công ty con gồm Gemadept Tower, Gemadept Shipping Holding và Gemadept Logistics Holding cho CJ. 

Trước đó, một tên tuổi Hàn Quốc khác là Tập đoàn Tae Kwang được báo chí nước này cho là đã thất bại trong việc mua lại phần vốn của VI Group tại Gemadept dù đã chịu chi tới 10.000 tỉ đồng.

Với ngành tài chính ngân hàng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID), một trong ba ngân hàng quốc doanh lớn nhất Việt Nam, đang trong kế hoạch bán 17,65% cổ phần, tương đương 15% cổ phần cho Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành hơn 603 triệu cổ phần, tương đương khoảng 850 triệu USD nếu tạm tính theo giá thị trường hiện nay.

Cuối năm 2018, Hyundai Marine & Fire Insurance Co. Ltd. (HMFI) – Công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất tại Hàn Quốc cũng đã đặt chân vào Việt Nam sau khi chính thức nắm giữ 25% vốn điều lệ của Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VBI).

KITMC (Korea Investment Trust Management Co.) - một trong những công ty quản lý quỹ hàng đầu Hàn Quốc gần đây cũng đã tạo sự phấn khích cho thị trường khi trở thành tay chơi "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" nhất thị trường Việt Nam sau được bơm thêm 500 triệu USD đầu năm 2018. 

Thành lập tại Việt Nam từ tháng 3/2006 với tên gọi KIM Vietnam Growth Fund, số lượng quỹ đầu tư của KITMC đã tăng lên gần chục quỹ. Tổng tài sản của quỹ này nắm giữ đến thời điểm hiện nay là 1.065 tỉ KRW, tương đương 920 triệu USD. Theo đó, quỹ này vươn lên vị trí thứ 3 tại Việt Nam chỉ xếp sau hai "lão làng" Dragon Capital và Vinacapital.

Cùng với đó, thị trường đang có ngày càng nhiều công ty chứng khoán 100% vốn Hàn Quốc sau khi mua lại các công ty chứng khoán Việt. 

Bên cạnh CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, CTCP Chứng khoán Mirea Asset, những tên tuổi mới gia nhập cuộc chơi gồm có CTCP Chứng khoán KB,  Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam, Công ty Chứng khoán NH Việt Nam, CTCP Chứng khoán HFT...

Điều này đã phần nào cho thấy sự kỳ vọng của chính những người Hàn về làn sóng đầu tư cổ phần doanh nghiệp Việt sẽ còn rất sôi động.

Gần đây, các doanh nghiệp Hàn tiếp tục bày tỏ sự quan tâm và mong muốn xúc tiến đầu tư mới vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh hiện tại, người Hàn vẫn đang quan tâm rất lớn các lĩnh vực khác như IT, công nghệ sinh học, gia công thực phẩm và công nghê phụ trợ, ngành chăm sóc sức khoẻ, giải trí, văn hóa...

Chỉ vỏn vẹn một thập kỷ, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang dần trở thành những người cầm trịch cuộc chơi tại thị trường Việt Nam. Với những gì đang diễn ra, kỷ nguyên của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam đang ở trước mắt.

Huy Nguyên