|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gần 50% nền kinh tế Hàn Quốc nằm trong tay các chaebol

11:42 | 30/06/2019
Chia sẻ
Vai trò to lớn của các chaebol đối với Hàn Quốc khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu các gia tộc tài phiệt mới là người vận hành nền kinh tế nước này?

Khoảng cách giữa giới siêu giàu và người dân thường ở Hàn Quốc đã được phản ánh một cách chân thực thông qua bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) mới đây. Sự phân cực ngày càng lớn trong xã hội Hàn Quốc hiện đại là một trong những hệ quả của mô hình phát triển kinh tế phụ thuộc vào các "chaebol", khi những gia đình tài phiệt này đang nắm vai trò ngày càng cao trong xã hội.

Theo Nikkei Asia Review, tính đến năm 2019, mặc dù Hàn Quốc có tổng số 59 chaebol đang đóng góp vào nền kinh tế quốc gia nhưng chỉ một vài nhân tố có được sức mạnh kinh tế thật sự to lớn.

Chỗ dựa của nền kinh tế nghìn tỷ đô

Sự đóng góp của các chaebol vào GDP Hàn Quốc trong nhiều năm gần đây cho thấy nền kinh tế nghìn tỷ đô này đang ngày càng phụ thuộc vào các tập đoàn lớn. Trong đó 5 tập đoàn đứng đầu là Samsung, Hyundai, SK Group, LG và Lotte, đồng thời đây cũng là 5 tập đoàn đang chiếm khoảng 50% giá trị thị trường chứng khoán Hàn Quốc.

Gần 50% nền kinh tế Hàn Quốc nằm trong tay các chaebol - Ảnh 1.

Sự đóng góp của các chaebol đối với nền kinh tế Hàn Quốc cho thấy quốc gia này đang ngày càng phụ thuộc vào các tập đoàn lớn. Biểu đồ: Hà Bùi.

Theo dữ liệu của CEO Score, trong năm 2017, 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đã báo cáo tổng kết quả doanh thu lên đến 677,8 tỷ USD, tương đương 44,2% tổng GDP của cả nước năm 2017 là 1.530 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Nhật Bản năm 2017 là 24,6% ở Mỹ là 11,8%.

Chỉ riêng hai tập đoàn Samsung Electronics Co. và Hyundai Motor Co. đã chiếm đến 1/5 nền kinh tế. Trong năm 2017, Samsung Electronics có mức doanh thu 224,2 tỷ USD, tương đương 14,6% GDP, Hyundai Motor đứng thứ hai với 5,9%, tiếp sau đó là LG Electronics Inc. với 3,8%, Posco với 3,7% và Korea Electric Power Corp với 3,7%.

Cùng thời điểm công ty có doanh thu hàng đầu ở Mỹ, Walmart Inc có doanh thu năm 2017 chỉ chiếm 2,6% tổng GDP. Công ty có đóng góp lớn nhất vào GDP Nhật Bản năm 2017 là Toyota Motor Corp với 5,7%.

Những chaebol này từng giữ vai trò trung tâm trong việc đưa nền kinh tế nông nghiệp khiêm tốn của Hàn Quốc vào những năm 1960 trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Những quân bài của cựu Tổng thống Park Chung-hee

Một phần dẫn đến đế chế thành công như hiện nay của các chaebol là nhờ sự hợp tác chặt chẽ của họ với chính phủ. Hàng chục năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ họ dưới nhiều hình thức khác nhau, từ trợ cấp, cho vay cho đến ưu đãi thuế. Nhờ đó, các chaebol trở thành trụ cột của nền kinh tế quốc gia này.

Từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nhờ nguồn viện trợ của Mỹ đổ vào Seoul, chính phủ đã cung cấp hàng trăm triệu USD cho các khoản vay đặc biệt cũng như các hình thức hỗ trợ tài chính khác cho các chaebol như một nỗ lực để xây dựng lại nền kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp quan trọng như xây dựng, hóa chất, dầu và thép.

Gần 50% nền kinh tế Hàn Quốc nằm trong tay các chaebol - Ảnh 2.

Hyundai là nhà sản xuất ôtô lớn nhất Hàn Quốc và cũng là chaebol lớn thứ hai ở quốc gia này. Ảnh: Reuters.

Các doanh nghiệp này đã phát triển mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của cựu Tổng thống Park Chung-hee như một phần trong chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu của ông. Chính quyền Tổng thống Park Chung-hee có những chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu đồng thời cũng cách ly các công ty cạnh tranh nước ngoài với các ngành công nghiệp trong nước. Đều này cũng đã được áp dụng tương tự với 4 con hổ châu Á khác là Hong Kong, Đài Loan và Singapore.

Nhận định về con đường này, trong cuốn “South Korea at the Crossroads” năm 2018, tác giả Scott A.Snyder viết: Vì sự an toàn của quốc gia, Tổng thống Park đã tìm cách xây dựng một đất nước Hàn Quốc tự chủ, không phụ thuộc vào các cường quốc khác.”

Người hùng hay tội đồ?

Theo một số nhà kinh tế, những ưu ái này đã gây ra sự mất cân bằng. Tiền chảy vào túi của các gia đình giàu có, tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội kéo dài đến ngày nay.

Đến nay, các chaebol đã mở rộng ra các lĩnh vực công nghiệp mới và bước ra các thị trường tiềm năng ở nước ngoài. Năm 1961, xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ chiếm 4% GDP nhưng năm 2016 đã tăng lên hơn 40%, một trong những tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu.

Gần 50% nền kinh tế Hàn Quốc nằm trong tay các chaebol - Ảnh 3.

Cựu Tổng thống Park Geun-hye trong một bữa trưa với đại diện các chaebol lớn trong nước vào tháng 7/2015. Ảnh: Business Korea.

Cũng trong giai đoạn đó, thu nhập bình quân hàng năm của người Hàn Quốc đã tăng từ 120 USD lên đến 30.000 USD vào thời điểm này. Cùng với việc hàng triệu người Hàn Quốc thoát khỏi đói nghèo, sự ra đời ngày càng nhiều của các chaebol đã góp phần không nhỏ vào sự tái cơ cấu nền kinh tế Hàn Quốc sau chiến tranh.

Những năm 1980, khi Hàn Quốc chuyển sang chế độ dân chủ, các chaebol trở nên hùng mạnh về kinh tế và hơn hết, họ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị. Các chính trị gia bắt đầu bắt tay nhiều hơn với các tập đoàn này để nhận được sự hỗ trợ cả về tài chính lẫn chính trị trong các cuộc tranh cử.

Tuy nhiên, kéo theo đó, nhiều bê bối tham nhũng của các chính khách đã bị phơi bày, mà ẩn sau là sự bắt tay giữa các chaebol và quan chức nhằm thâu tóm quyền lực. Tiêu biểu nhất là vụ việc của "Thái tử Samsung" Lee Jae Yong, phó chủ tịch và là người thừa kế tập đoàn Samsung, bị bắt đầu năm 2017 trong vụ bê bối liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon Sil.

Gần 50% nền kinh tế Hàn Quốc nằm trong tay các chaebol - Ảnh 4.

"Thái tử Samsung" Lee Jae Yong trong cuộc điều trần trước Quốc hội về sự liên quan của mình với những bê bối tham nhũng của cựu Tổng thống Park Geun-hye năm 2016. Ảnh: Reuters.

Sự phát triển kinh tế cũng làm gia tăng mối lo ngại về ảnh hưởng chính trị và nạn tham nhũng trong các tập đoàn gia đình ở Hàn Quốc. Nhiều người cho rằng các tập đoàn gia đình tham nhũng thực sự là vấn đề lớn và khó giải quyết vì trên thực tế, chính phủ nước này vẫn luôn tỏ ra nhún nhường khi đưa ra biện pháp xử lý với những vi phạm của các chaebol.

Hà Bùi

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.