|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các công ty Hàn Quốc ồ ạt rút khỏi Trung Quốc

21:01 | 23/06/2019
Chia sẻ
Hãng điện tử Samsung đã châm ngòi cho làn sóng các công ty Hàn Quốc rút dần các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc do tình hình kinh doanh không thuận lợi.
Các công ty Hàn Quốc ồ ạt rút khỏi Trung Quốc - Ảnh 1.

Hồi tháng 5-2019, hãng xe Hyundai Motor cho biết tạm thời ngừng sản xuất ở một nhà máy liên doanh ở Bắc Kinh có công suất 300.000 xe mỗi năm. Ảnh: Pulse News

Samsung kích hoạt làn sóng rút khỏi Trung Quốc

Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc bao gồm Samsung, Hyundai Motor, Kia Motors và LG đang rút dần dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc quá lớn vào nước này, vốn khiến họ dễ tổn thương khi nhiều khó khăn ập đến cùng một lúc: sự cạnh tranh đến từ các công ty địa phương, căng thẳng địa chính trị và những cơn gió ngược của nền kinh tế thế giới.

Nguồn tin tại một tổ chức tài chính lớn của Nhật Bản thường giao dịch với các công ty Hàn Quốc nói: “Tình hình giống như thể họ cầm cự quá lâu để tránh gây ấn tượng xấu với chính phủ Trung Quốc nhưng giờ đây họ không chịu nổi nữa”.

Hãng điện tử Samsung là công ty kích hoạt cho xu hướng này. Tháng 4-2018, Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất màn hình tivi tinh thể lỏng ở Thâm Quyến.

Với doanh số liên tục giảm ở Trung Quốc trong những năm gần đây, thị phần smartphone của Samsung ở nước này chỉ còn hơn 1% vào năm 2018, khiến hãng phải đóng cửa một nhà máy sản xuất smartphone ở TP. Thiên Tân vào cuối năm 2018.

Samsung đã thực sự làm những gì có thể để duy trì các hoạt động ở nhà máy này vì hiểu rằng nếu ngưng hoạt động, nhiều việc làm sẽ bị mất và gây khó khăn cho mục tiêu bảo vệ việc làm của Bắc Kinh. Song Samsung cuối cùng đã “đầu hàng” và quyết định vào cuối năm ngoái sẽ chấm dứt sản xuất smartphone tại nhà máy ở Thiên Tân.

Quyết định này ngay lập tức châm ngòi cho hàng loạt động thái tương tự của các doanh nghiệp Hàn Quốc khác.

“Khi Samsung tiên phong đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc, gánh nặng tâm lý đối với chúng tôi giảm xuống”, một nhân viên ở một công ty Hàn Quốc, nói.

Hồi tháng 5-2019, hãng xe Hyundai Motor cho biết tạm thời ngừng sản xuất ở một nhà máy liên doanh ở Bắc Kinh có công suất 300.000 xe mỗi năm. Trong khi đó, hãng xe Kia Motors cho biết sẽ chấm dứt sản xuất ô tô thương hiệu Kia ở một nhà máy liên doanh tại tỉnh Giang Tô vào cuối tháng 6 này.

Hãng điện tử LG gần đây thông báo di dời toàn bộ dây chuyển sản xuất tủ lạnh xuất khẩu sang Mỹ tại một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang trở về Hàn Quốc.

Samsung muốn tìm cách cắt giảm sản xuất hơn nữa ở Trung Quốc. Hãng này đang đề nghị cung cấp các gói về hưu tự nguyện cho các công nhân viên tại nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng ở Trung Quốc, có tên gọi Samsung Huệ Châu ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông. Có nhiều thông tin đồn đoán nhà máy này rồi sẽ đóng cửa giống như số phận nhà máy ở Thiên Tân. Vào thời hoàng kim, Samsung Huệ Châu sản xuất một trong năm smartphone được tiêu thụ ở Trung Quốc vào năm 2011.

Nhưng giờ đây, các cửa hiệu và các nhà cung cấp xung quanh tổ chức sản xuất rộng lớn của Samsung ở Huệ Châu đã yên ắng hẳn và hồi tháng 2-2019, một thông báo dán ở cổng của nhà máy Samsung Huệ Châu cho biết không tuyển dụng công nhân nữa. Người dân địa phương, công nhân và các nhà cung cấp đều gần như chắc chắn rằng nhà máy sẽ đóng cửa.

“Các trụ đèn đường được trang trí với các bảng quảng cáo bắt mắt của Samsung nhưng giờ đây, chúng đã bị gỡ”, Steve Huang, một kỹ sư làm việc ở Samsung Huệ Châu trong 17 năm trời, cho biết.

Khó khăn dồn dập ập đến

Các công ty Hàn Quốc ồ ạt rút khỏi Trung Quốc - Ảnh 2.

Samsung kích hoạt cho làn sóng các công ty Hàn Quốc rút dần sản xuất khỏi Trung Quốc. Ảnh: Pulse News

Tình trạng các công ty Hàn Quốc phụ thuộc sản xuất quá lớn ở Trung Quốc và các rủi ro kèm theo là câu chuyện không mới. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tốt của các tập đoàn lớn như Samsung và Huyndai Motor ở Trung Quốc vào thời gian trước đây đã lấn át mối lo ngại này.

Samsung dẫn đầu thị phần smartphone của Trung Quốc cho đến năm 2012 khi các đối thủ nội địa như Huawei, Oppo, Xiaomi bắt đầu trỗi dậy.

Trong khi đó, nhờ các mẫu xe thể thao đa dụng hút khách, Hyundai từng có doanh số ô tô đứng thứ ba tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Volkswagen (Đức) và General Motors (Mỹ).

Nhưng sự trỗi dậy của các đối thủ Trung Quốc trong lĩnh vực chip và ô tô, vốn là những thế mạnh lớn nhất của Hàn Quốc, đã khiến các công ty Hàn Quốc “trở về mặt đất” thay vì chìm đắm trong sự lạc quan bay cao.

Doanh số smartphone của Samsung tại Trung Quốc giảm rất nhanh sau năm 2012 và hiện nay đã bị đánh bật ra ngoài khỏi danh sách 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc. Trong khi đó, Hyuandai cũng rớt về thứ 6 hoặc thứ 7 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước này.

Các khó khăn đối với các công ty Hàn Quốc càng gia tăng sau hục hặc ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc xung quanh việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Seoul bất chấp các phản đối của Bắc Kinh.

Động thái của Hàn Quốc đã thúc đẩy làn sóng người tiêu dùng tẩy chay các công ty Hàn, buộc tập đoàn Lotte phải rút hết mảng kinh doanh siêu thị khỏi Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục cảm nhận được những “dư chấn” của làn sóng tẩy chay trong hơn một năm qua và khi họ bắt đầu lấy lại vị thế thì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ. Xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc đến Trung Quốc chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc nhưng đã giảm sâu 20% vào tháng 5-2019 so với cùng kỳ năm ngoái.

Các đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào hãng thiết bị viễn thông và smartphone Huawei của Trung Quốc càng làm cho tình hình tồi tệ hơn đối với các công ty Hàn Quốc. Nếu các đòn trừng phạt này không được gỡ bỏ, các đơn hàng khổng lồ của Huawei mua chip từ các công ty Hàn Quốc sẽ bị hủy bỏ, dẫn đến thị trường tràn ngập nguồn cung chip dư thừa. Điều này sẽ kéo giá các sản phẩm chip giảm xuống, ép chặt biên lợi nhuận của mảng kinh doanh bán dẫn chủ lực của Samsung.

Sản xuất chip là ngành công nghiệp quan trọng nhất đối với nền kinh tế Hàn Quốc vì xuất khẩu chip chiếm đến 29% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của nước này. Xu hướng giảm giá của chip kể từ mùa thu năm ngoái là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu chip của Hàn Quốc giảm 31% trong tháng 5-2019 so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng lo ngại hơn nữa là kế hoạch tung đòn thuế tiếp theo của Mỹ nhằm vào 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bao gồm các mặt hàng như smartphone và máy tính cá nhân, vốn là những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Hàn Quốc. Đòn thuế này sẽ tác động trực tiếp đến các công ty Hàn Quốc vốn đang nhập khẩu một khối lượng lớn hàng hóa trung gian (linh kiện) vào Trung Quốc để xử lý và lắp ráp trước khi xuất khẩu các sản phẩm hoàn thiện sang Mỹ.

Trong khi đó, hai trong số ba nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc quyết định không hợp tác với Huawei để triển mạng 5G ở Hàn Quốc và điều này có cũng có thể chọc giận Bắc Kinh.

Chánh Tài