|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam

10:27 | 20/06/2019
Chia sẻ
Hầu như tất cả doanh nghiệp Hàn Quốc đều quan tâm và tận dụng tốt cơ hội làm ăn tại thị trường Việt Nam

Mới đây, các start-up Hàn Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử (mua bán mỹ phẩm, quần áo, website trải nghiệm sản phẩm…) sang Việt Nam tìm cơ hội hợp tác kinh doanh. Trong buổi tiếp xúc đầu tiên với những khách hàng tiềm năng, những start-up này đã bày tỏ mong muốn khai thác tối đa tiềm năng thị trường đang phát triển và có nhiều ưu ái cho hàng hóa "made in Hàn Quốc".

Chinh phục người tiêu dùng

Theo các start-up, doanh thu nhóm sản phẩm mỹ phẩm, thời trang Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam và các nước Đông Nam Á tăng rất nhanh và có cơ sở tăng cao hơn nữa thông qua sự trợ giúp của công cụ bán hàng hiện đại.

Thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam - Ảnh 1.

Sản phẩm Hàn Quốc ngày càng nhiều trên thị trường Việt NamẢnh: HOÀNG TRIỀU

Kết quả khảo sát người tiêu dùng trên phạm vi cả nước của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) (BSA) công bố năm 2018 cho thấy, tỉ lệ người tiêu dùng Việt chọn mua sản phẩm Hàn Quốc đã tăng từ dưới 3% trong năm 2017 lên 8%-10% trong năm 2018; trong đó mặt hàng bánh kẹo, đồ uống đã tăng lên 12%-17%.

Sản phẩm Hàn Quốc rất được lòng người tiêu dùng Việt Nam, một phần do ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc, phát triển cùng cộng đồng người Hàn sinh sống tại Việt Nam, nhất là TP HCM. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, với sự trợ giúp của công nghệ, sản phẩm Hàn Quốc càng thâm nhập sâu hơn vào từng gia đình người Việt. Rất nhiều cửa hàng chuyên doanh sản phẩm Hàn Quốc mọc lên để phục vụ người Hàn sinh sống tại Việt Nam nhưng lại đang thu hút một lượng lớn người tiêu dùng Việt. Ngoài các siêu thị tổng hợp, cửa hàng tiện lợi như LOTTE Mart, Emart, GS 25, các siêu thị trực tuyến, cửa hàng chuyên sản phẩm Hàn Quốc cũng đang nở rộ. Chẳng hạn, Whikorea phân phối sản phẩm cho khoảng 90 DN vừa và nhỏ Hàn Quốc. K Mart - hệ thống siêu thị chuyên sản phẩm Hàn - đã xây dựng trung tâm logistics tại Hà Nội, sắp tới sẽ phát triển tại
TP HCM và Đà Nẵng.

Tại LOTTE Mart và Emart, 2 thương hiệu bán lẻ Hàn Quốc, tỉ lệ hàng Hàn Quốc chiếm khoảng 5%, chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm. Theo các siêu thị này, tăng trưởng của nhóm hàng nhập trực tiếp từ Hàn Quốc đang tăng, trong đó hàng tiêu dùng tăng trưởng tốt hơn mỹ phẩm.

Khai thác triệt để lợi thế

Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Hiệp định hợp tác song phương (VKFTA), hàng ngàn mặt hàng từ Hàn Quốc vào Việt Nam được miễn hoặc giảm thuế. Từ năm 2015 tới nay, thông qua các ưu đãi của VKFTA, các DN Hàn Quốc khai thác triệt để thị trường Việt Nam. Các chuyên gia bán lẻ nhận định DN Hàn Quốc đã tận dụng rất tốt cơ hội khi tâm lý e dè hàng Trung Quốc và tâm lý sính ngoại của một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt Nam. "Họ đã có chiến dịch thâm nhập thị trường rất bài bản, bắt đầu bằng phim ảnh, văn hóa đến bóng đá để xây dựng niềm tin, sự yêu thích sản phẩm Hàn. Song song đó, các đại gia bán lẻ Hàn Quốc đầu tư bài bản vào Việt Nam, tạo không gian tốt cho sản phẩm tiếp cận, kết nối và từng bước chinh phục người tiêu dùng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc 19,1 tỉ USD, tăng 0,7% so với năm 2018. Trên thực tế, các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc ngày càng mở rộng tại Việt Nam, kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu của các DN xứ sở kim chi. Bên cạnh đó, sự chủ động của DN Hàn Quốc khi đưa hàng hóa tiêu dùng đến Việt Nam là một trong những yếu tố khiến hàng của nước này phủ sóng ngày càng rộng và chiếm lĩnh thị trường hơn 93 triệu dân.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), cho hay hầu như tất cả DN Hàn Quốc đều quan tâm thị trường Việt Nam. Không chỉ DN sản xuất công nghiệp mà gần đây, các DN hàng tiêu dùng, thực phẩm đang đẩy mạnh xúc tiến bán hàng vào Việt Nam. "Thực phẩm Hàn Quốc an toàn, chất lượng tốt đang được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Hàn Quốc đầu tư rất nhiều vào đầu tư phát triển sản phẩm, tạo nên sự khác biệt cả về nguyên liệu, chất lượng đến mẫu mã bao bì sản phẩm. Riêng tại thị trường Việt Nam, lượng hoa quả, hàng tiêu dùng, hàng chế biến Hàn Quốc xuất khẩu thông qua hệ thống các DN Hàn Quốc và nhà mua hàng Việt Nam mỗi năm mỗi tăng" - ông Hong Sun nhìn nhận.

Theo ông Hong Sun, tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có 3 DN Hàn Quốc khai trương hoạt động. Bên cạnh lượng lớn DN đầu tư vào sản xuất, một số DN đang đầu tư mạnh vào mảng logistics, bán lẻ… 

Phương An