|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ 50% trở lên sẽ được tạm dừng đóng BHXH đến tháng 12?

12:05 | 22/03/2020
Chia sẻ
Bộ LĐ-TB-XH vừa đề xuất 6 nhóm chính sách hỗ trợ DN và NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có đề xuất cho DN bị ảnh hưởng do COVID-19 từ 50% trở lên hoặc có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc được tạm dừng đóng BHXH từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.

Theo thông tin từ Bộ Lao động - thương binh và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mới đây đã có buổi trao đổi với báo giới về gói đề xuất 6 điểm gửi Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đối phó với ảnh hưởng bất lợi từ dịch COVID-19. 

Theo đó, trước những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB-XH đã có đề án với 6 nhóm chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động.

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ 50% trở lên sẽ được tạm dừng đóng BHXH đến tháng 12? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất là chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất tạm dừng đóng quĩ bảo hiểm hưu trí, tử tuất. 

Trước mắt tập trung hai nhóm đối tượng cụ thể là người lao động bị ngừng việc, thôi việc và đối tượng thứ hai là doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19 từ 50% trở lên. Thời hạn áp dụng tạm dừng đóng BHXH là từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.

"Với đề xuất như trên, ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu đến 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này; và 150.000 - 200.000 doanh nghiệp với kinh phí từ 25.000 - 49.000 tỉ đồng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Cũng theo ông Dung, quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH là tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp, người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020. Đây là chủ trương rất lớn khi Việt Nam hiện có khoảng 10,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, như vậy số tiền tạm ngừng đóng là 12.800 tỉ đồng.

Nhóm giải pháp thứ hai, là tập trung miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do tác động của dịch COVID-19, thời gian tính toán cũng từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.

Nhóm giải pháp thứ ba, là sử dụng kết dư của quĩ bảo hiểm thất nghiệp chi cho việc đào tạo, nâng cao trình độ, kĩ năng, tay nghề của người lao động; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để giữ chân người lao động, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, để khi tình hình ổn định thì người lao động quay trở lại làm việc.

Nhóm giải pháp thứ 4, là hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn. Theo đó, doanh nghiệp được hỗ trợ tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời, mục tiêu là để giữ chân người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định. 

Đề xuất nhà nước cho doanh nghiệp vay để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp mà người lao động phải thôi việc, mất việc. Bộ trưởng Dung giải thích, ở đây, nhà nước hỗ trợ cho vay nhưng không tính lãi, khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại số tiền này.

Nhóm giải pháp thứ 5, là chính sách tín dụng với người lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã... Đây là chính sách đề nghị cho các loại hình này được vay vốn sản xuất, phục hồi sản xuất, hỗ trợ tìm nguyên liệu, vật liệu phụ liệu mới để tiếp tục tái tạo sản xuất, với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức vào khoảng 3,96%.

Cuối cùng, nhóm giải pháp thứ 6, theo đề xuất của nhiều nghiệp đoàn, tập đoàn, Bộ LĐ-TB-XH đã bàn với Tổng LĐLĐ Việt Nam có chính sách tạm hoãn đóng kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn.

K.Hà