|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tại sao Trung Quốc phải gấp rút bơm 174 tỷ USD vào nền kinh tế?

07:02 | 08/10/2018
Chia sẻ
Trung Quốc đã tạm thời thu hẹp lại chương trình giảm nợ. Trung Quốc tái khởi động lại nhiều dự án hạ tầng - động lực tăng trưởng truyền thống của kinh tế Trung Quốc.
tai sao trung quoc phai gap rut bom 174 ty usd vao nen kinh te Trung Quốc sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho hầu hết các ngân hàng
tai sao trung quoc phai gap rut bom 174 ty usd vao nen kinh te
Ảnh: New York Times

Trung Quốc đang phát đi nhiều thông điệp cho thấy Trung Quốc đang lo lắng về tình trạng nền kinh tế, theo khẳng định của New York Times trong bài báo mới được đăng tải.

Gặp khó khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhiều vấn đề nợ nần dai dẳng và chiến tranh thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng, những tháng gần đây Trung Quốc không ngừng đưa ra nhiều biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế.

Trung Quốc đã tạm thời thu hẹp lại chương trình giảm nợ. Trung Quốc tái khởi động lại nhiều dự án hạ tầng - động lực tăng trưởng truyền thống của kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc đồng thời kiểm soát chặt chẽ cả những thông tin kinh tế tiêu cực.

Và đến ngày Chủ Nhật tuần này, Trung Quốc tiến thêm một bước nữa.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo sẽ có các chính sách để bơm 174 tỷ USD vào nền kinh tế. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, nhóm doanh nghiệp đang gặp khó trong tiếp cận tín dụng cũng như nhiều áp lực khác.

Sáng lập viên của tổ chức đầu tư Gelonghui, ông Chen Shouhong, nói: “Động thái mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc thực ra đang không tăng trưởng tốt.”.

Chiến tranh thương mại với Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa ngày một rõ ràng hơn. Trong tháng 9/2018, Mỹ áp thuế cao hơn với khoảng 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Tổng thống Trump đã không hề thể hiện quan điểm sẽ giảm bớt các biện pháp kiểm soát, quan hệ giữa hai nước từ đó đến nay đã trở nên nguội lạnh, điều đó cho thấy chiến tranh thương mại có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi mọi chuyện trở nên tốt đẹp.

Tính đến hiện tại, chiến tranh thương mại không gây ra nhiều tác động với nền kinh tế quy mô 12 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Thương mại giờ đây không còn quá quan trọng với kinh tế Trung Quốc như trước đây nhờ sự trỗi dậy của một tầng lớp trung lưu vốn có sức mua lớn với hàng hóa Trung Quốc. Dù vậy, các biện pháp tăng thuế từ phía Mỹ sẽ vẫn tác động đến nền kinh tế.

Trong tháng 9/2018, số lượng các đơn hàng xuất khẩu mới, chỉ báo quan trọng về “sức khỏe” của sản xuất Trung Quốc, rơi xuống mức thấp nhất tính từ năm 2016.

Thế nhưng Trung Quốc đang đối diện với nhiều vấn đề hơn chỉ cuộc chiến tranh thương mại.

Người tiêu dùng đang chi tiêu ít hơn. Doanh số bán lẻ tính từ đầu năm đến nay tăng trưởng thấp nhất trong 1 thập kỷ. Tăng trưởng mức lương đang đi xuống. Đầu tư hạ tầng, trụ cột quan trọng của kinh tế Trung Quốc, chững lại đáng kể trong nửa đầu năm 2018. Tốc độ doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu tăng nhanh chóng.

Trung Quốc cũng đang gặp khó khi thị trường chứng khoán giảm khoảng 15% trong năm nay, đồng Nhân dân tệ mất giá hơn 10% so với đồng USD. Một số doanh nhân Trung Quốc khẳng định rằng môi trường kinh doanh đang ngày một khó khăn hơn. Chính phủ có thể sẽ sớm yêu cầu doanh nghiệp đóng thêm thuế.

Cũng trong thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng ngăn kinh tế suy giảm bằng việc bơm thêm nhiều tỷ USD vào các dự án hạ tầng, vực dậy giá trị của đồng nhân dân tệ và giảm bớt đà suy giảm trên thị trường chứng khoán.

Không ít chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng Trung Quốc cần giải quyết được vấn đề nợ nần của nước này nếu muốn kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Chính phủ Trung Quốc dường như đang lắng nghe. Vào đầu năm nay, ông Liu He, một chuyên gia tư vấn kinh tế được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất tín nhiệm, đã hứa sẽ hạn chế bớt nợ của Trung Quốc trong 3 năm tới.

Xem thêm

Trung Mến