|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tại sao Thế Giới Di Động, FPT Shop,… liên tục rót tiền mở rộng chuỗi uỷ quyền bán sản phẩm Apple tại Việt Nam?

10:05 | 22/12/2022
Chia sẻ
Xu hướng mua xa xỉ phẩm đang ngày một tăng trong tầng lớp trung lưu ở Việt Nam và iPhone là một trong những mặt hàng đắt tiền được quan tâm nhiều nhất.

Báo cáo mới đây của VNDirect chỉ ra rằng người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao trong bối cảnh lãi suất tăng và sự suy yếu của các ngành thâm dụng lao động như da giày,.. Dự báo, tình trạng suy thoái này có thể kéo dài đến quý III/2023 khi lãi suất dự kiến sẽ giảm và việc tăng lương tối thiểu sẽ tạo ra động lực nhẹ cho tiêu dùng hàng hoá.

Trái ngược với dự báo chung toàn ngành, VNDirect lại tin tưởng rằng thị trường xa xỉ tại Việt Nam sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ sự gia tăng của tầng lớp người dân thu nhập cao ngày càng có nhu cầu lớn hơn với các mặt hàng này.

Thông thường, những tầng lớp giàu có thường là nhóm cuối cùng cảm nhận được tác động tiêu cực vào tiêu dùng do quy mô tài sản nắm giữ của họ thường rất lớn. Do đó, báo cáo dự đoán các công ty bán lẻ có các mảng kinh doanh với phân khúc cao cấp có thể gặp ít rủi ro hơn từ việc cắt giảm hầu bao. 

Xu hướng mua hàng có thương hiệu

Theo Statista, thị trường hàng hóa cao cấp cá nhân của Việt Nam đạt 976 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng 6,7% mỗi năm lên mức 1 tỷ USD vào năm 2025. Một báo cáo khác của Knight Frank cho biết có khoảng 72.135 cá nhân tại Việt Nam có quy mô tài sản hơn 1 triệu USD vào năm 2021. 

Dù vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi nhưng thị trường xa xỉ Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ sự gia tăng của tầng lớp người dân thu nhập cao ngày càng có nhu cầu lớn hơn đối với các mặt hàng xa xỉ (như du lịch cao cấp, trang sức, xe hơi, sản phẩm kỹ thuật số cao cấp…). 

Trong đó, thị trường trang sức và đồng hồ cao cấp có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của hàng xa xỉ cá nhân tại Việt Nam, đạt tốc độ tăng trưởng kép là 8,5% trong giai đoạn 2021-26. 

Hiện theo báo cáo, PNJ là đơn vị có thị phần thống lĩnh thị trường trang sức, có thương hiệu mạnh, sản phẩm đa dạng ở phân khúc trang sức và đồng hồ cao cấp. Thị phần trang sức của PNJ đã tăng từ khoảng 25% năm 2017 lên hơn 60% trong 10 tháng đầu năm 2022 với xu hướng người tiêu dùng lựa chọn hàng có thương hiệu hơn. 

Xu hưởng mua sắm hàng có thương hiệu tại Việt Nam. Ảnh khai trương một cửa hàng Uniqlo tại Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Một sản phẩm xa xỉ khác được ưa chuộng ở Việt Nam đó là thời trang và đồ da. Theo Statista, tổng doanh số bán hàng thời trang cao cấp và đồ da tại Việt Nam sẽ đạt 550 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ, trong năm 2023. 

Theo đó, chủ lực trong phân khúc này chủ yếu là các thương hiệu lớn toàn cầu như Chanel, Kering, Louis Vuitton,… chiếm hơn 50% thị phần trong phân khúc thời trang và 80% trong phân khúc đồ da tại Việt Nam. 

Sự phát triển và thống trị của các thương hiệu quốc tế lớn đòi hỏi các thương hiệu phải duy trì các cửa hàng ở trung tâm thành phố và trung tâm thương mại, duy trì mức độ tiếp cận cao và có thể tạo ra nhu cầu mua sắm bền vững ở những khu vực này.

Sản phẩm kỹ thuật số cao cấp

iPhone 14 series Với giá bán khoảng 25 – 47 triệu đồng, tương đương với 3,7 đến 7 lần mức lương trung bình hàng tháng của người Việt, iPhone 14 có thể coi là hàng xa xỉ trong tiêu dùng tại Việt Nam. 

Tính đến cuối quý II theo số liệu mới nhất, iPhone chiếm 15,4% thị phần điện thoại thông minh ở Việt Nam, nằm trong top 5 điện thoại. Apple Việt Nam cho biết lượng đặt hàng iPhone 14 về Việt Nam cũng tăng gấp đôi so với lô hàng iPhone 13, tái khẳng định nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm của Apple.

Mới đây, ngân hàng đầu tư JP Morgan nhận định rằng Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng số các sản phẩm iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025. Rõ ràng,"Táo khuyết" đang ngày càng đánh giá cao thị trường Việt.

Điều này giải thích tại sao các chuỗi bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động hay FPT trong năm qua đã liên tục chi tiền để mở rộng các cửa hàng bán đồ Apple uỷ quyền.

 Khách hàng mua iPhone tại TopZone. (Ảnh: Thiên Trường).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông di dộng, CTCP bán lẻ kỹ thuật số FPT, cho biết: "Chúng tôi ghi nhận sự tăng trưởng liên tục trong 3 năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2022, iPhone tăng gấp đôi. Với sự tăng trưởng như vậy, Việt Nam đang được Apple ghi nhận là thị trường vượt trội trong khu vực mà còn trên toàn cầu”.

Tại thời điểm cuối tháng 10, Thế Giới Di Động đang có 93 cửa hàng TopZone đang hoạt động, và là đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng uỷ quyền Apple lớn nhất tại Việt Nam. Trước đó, đầu năm nay, công ty này đặt tham vọng cán mốc 200 cửa hàng TopZone vào cuối năm.

Sau khi có mặt trên thị trường, kể từ tháng 10/2021, mỗi cửa hàng TopZone mang về doanh thu trung bình 6-8 tỷ đồng/tháng đối với mô hình AAR (cửa hàng tích hợp với Thế Giới Di Động) và 10-15 tỷ đồng/tháng đối với mô hình APR (cửa hàng lớn độc lập), trong điều kiện bán hàng bình thường sau khai trương và sau thời điểm tăng đột biến khi Apple ra mắt sản phẩm mới.

Thiên Trường