Tại sao Tesla đại thành công ở Trung Quốc?
Có một điều không thể chối cãi được là người tiêu dùng Trung Quốc chính là nhóm khách hàng chịu chi nhất của Tesla. Năm 2019, hãng xe chứng kiến doanh số bán hàng tại thị trường tỉ dân tăng 161% so với năm trước đó, tương đương với 40.000 chiếc Tesla.
Là quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh số bán xe tại thị trường Trung Quốc dù ghi nhận giảm 42% trong quý I/2020, sau đó đã nhanh chóng hồi phục trở lại. Thực tế, doanh số bán hàng của Tesla đã ghi nhận kỉ lục mới trong tháng 3 và tháng 4.
Song, sự thành công của Tesla tại Trung Quốc không phải tự nhiên mà có, phía sau đó còn có sự hỗ trợ đắc lực từ phía chính phủ Trung Quốc.
Từ miễn thuế bán hàng đến hàng tỉ USD tài trợ cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất ở Thượng Hải, chính phủ đã tạo bệ phóng giúp Tesla phát triển mạnh mẽ tại đất nước này, hình thành một mối quan hệ cộng sinh kì lạ. Nhưng bí kíp nào khiến Tesla làm được điều đó?
Tận dụng thời cơ và lợi thế sẵn có
Kể từ năm 2015, Trung Quốc vẫn luôn giữ vững vị trí thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Năm 2016, Tesla ghi nhận doanh số bán hàng ở Trung Quốc tăng gấp ba lần, lên mức 1 tỉ USD. Một năm sau đó, doanh số tiếp tục tăng gấp đôi, đạt 2 tỉ USD trong năm 2017.
Ông chủ Tesla – Elon Musk – lúc này nhận ra rằng hãng đã thu hút được sự chú ý, lên kế hoạch lấn sân vào tại thị trường tỉ dân.
Tuy nhiên, giống như các nhà sản xuất ô tô khác, hiềm khích thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc luôn là rào cản lớn cho việc bán xe hơi tại đây.
Bị đánh thuế nhập khẩu nặng, một chiếc Model S của Tesla có giá 80.000 USD tại Mỹ sẽ được bán với giá khoảng 140.000 USD tại thị trường Trung Quốc lúc bấy giờ. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là sản xuất tại Trung Quốc, cho chính người tiêu dùng tại đây với qui mô lớn.
Song, chi phí sản xuất ô tô tại Trung Quốc thực tế không hề rẻ. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách buộc các nhà sản xuất ô tô nước ngoài phải hợp tác với một đối tác liên doanh ở Trung Quốc, đồng thời, chia sẻ một nửa lợi nhuận. Đến năm 2018, chính phủ nước này bắt đầu nới lỏng các chính sách khắt khe này, mở đường cho các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường nội địa.
Tận dụng thời cơ và lợi thế sẵn có, tháng 7/2018, CEO Elon Musk đã nhanh chóng kí thỏa thuận xây dựng một nhà máy thuộc sở hữu toàn phần của Tesla tại Thành phố Thượng Hải.
Dự án siêu nhà máy thứ ba của Tesla đã thu hút 1,6 tỉ USD tài trợ từ các ngân hàng Trung Quốc, và nhận sự đồng thuận nhanh chóng từ phía chính phủ. Tháng 8/2019, siêu nhà máy đã bắt đầu chế tạo những chiếc xe điện đầu tiên.
Hiện nhà máy Tesla Thượng Hải có năng suất 3.000 chiếc/tuần, tương đương khoảng 150.000 chiếc/năm. Tính đến cuối năm 2021, khi nhà máy đi vào hoạt động hoàn toàn, Elon Musk dự kiến cơ sở này sẽ sản xuất 500.000 xe/năm.
Chưa kể đến quyết định miễn 10% thuế thương vụ cho dòng xe Tesla Model 3, cùng với khoản trợ cấp từ chính phủ trị giá 3,560 USD cho mỗi chiếc xe, việc hãng xe bán "đắt như tôm tươi" là điều không thể tránh khỏi.
Sự ưu ái của Trung Quốc cho Tesla
Nhờ sự nhạy bén và chính sách mở rộng từ chính quyền Trung Quốc, Tesla đã giải được bài toán chi phí. Vậy nguyên cớ tại sao hãng xe điện đến từ Mỹ này, lại nhận được sự chào đón nồng nhiệt như vậy từ chính phủ Trung Quốc?
Thứ nhất là Trung Quốc đã bỏ ra một khoản tiền lớn đầu tư cho siêu nhà máy Tesla ở Thượng Hải. Dự án này được tài trợ hầu như hoàn toàn thông qua các ngân hàng do nhà nước kiểm soát, kì vọng sẽ thu lợi từ khoản đầu tư của họ.
Thứ hai, Tesla đã mua một hợp đồng thuê đất 50 năm ở Trung Quốc với khoản tiền này chảy trực tiếp vào ngân sách chính phủ. Ngoài ra, 30% thiết bị của nhà máy phải được mua tại địa phương. Tỉ phú Elon Musk sau đó tuyên bố vào cuối năm 2020, ông dự kiến con số này sẽ lên 100%.
Thứ ba, ở góc nhìn rộng hơn, Tesla có thể đóng vai trò là yếu tố mới, làm động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ trên thị trường xe hơi Trung Quốc, vốn đang sụt giảm trong những năm gần đây. Năm 2019, tổng doanh số xe ô tô tại Trung Quốc đã giảm 8%, sau khi mức giảm 3% ghi nhận trong năm 2018.
Dù đại dịch COVID-19 gián đoạn nền kinh tế trong quý I, khiến doanh số tiếp tục giảm, ngành công nghiệp xe hơi đang cho thấy dấu hiệu dần hồi phục, phần lớn nhờ vào doanh số xe điện. Trong đó, doanh số Tesla chiếm tới 30%.
Với kết quả bán hàng cải thiện mạnh mẽ trong cả tháng 3 và tháng 4, nhà sản xuất ô tô đến từ Mỹ có thể đóng một vai trò lớn trong công cuộc phục hồi ngành công nghiệp ô tô của đất nước tỉ dân.
Lí do đằng sau cơn sốt xe Tesla tại Trung Quốc
Đầu tiên không thể không nói đến môi trường kinh tế rộng lớn của Trung Quốc, dân số quốc gia này hiện là 1,4 tỉ người. Trung Quốc cũng là quốc gia có nhiều thành phố ô nhiễm cao nhất thế giới, khiến cho thị hiếu người dân đang dần chuyển sang các dòng xe điện.
Tính đến năm 2016, ít nhất 10 thành phố lớn của Trung Quốc đã thi hành bắt buộc các chính sách "chẵn lẻ". Ở đó, các phương tiện đi lại truyền thống có biển số kết thúc bằng số lẻ sẽ được phép đi lại trên đường vào các ngày lẻ, và những phương tiện kết thúc bằng số chẵn sẽ đi vào các ngày chẵn. Trong khi đó, chủ sở hữu xe điện có thể lái xe vào bất cứ ngày nào.
Việc đăng kí xe điện cũng rẻ hơn ở Trung Quốc, song song với nhiều ưu tiên hơn nhiều cho người tiêu dùng so với các dòng xe tiêu thụ xăng truyền thống.
Thị phần xe điện tại Trung Quốc cũng lớn hơn nhiều so với các quốc gia cùng qui mô. Hiện tỉ lệ xe chạy bằng pin tại đất nước này chiếm 4,7% tổng số xe được bán, trong khi con số này ở Mỹ chỉ có 1,7%. Chính quyền Bắc Kinh đã đặt mục tiêu đến năm 2025, xe điện sẽ chiếm 25% tổng số xe được bán với Tesla có khả năng là người dẫn đầu.
Hơn nữa, sự góp mặt của Tesla dù làm tăng cạnh tranh trong thị trường xe điện Trung Quốc, hãng xe Mỹ này cũng có thể giúp ích cho các doanh nghiệp nội địa.
Các nhà sản xuất Trung Quốc như NIO và Xpeng hiện đang gặp khó khăn, vẫn có thể tận dụng cuộc chiến tại thị trường này để làm bệ phóng quảng bá thương hiệu ra ngoài nước. Thực tế, NIO và Xpeng là một trong số các hãng xe điện được công nhận nhất ở Trung Quốc, nhưng chúng hầu như rất kín tiếng ở nước ngoài.
Một thương hiệu phổ biến quốc tế như Tesla có thể sẽ giúp giới thiệu ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc cạnh tranh với thị trường toàn cầu, giúp tiếp cận với người mua ở Mỹ và châu Âu và cải thiện doanh số.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/