Tại sao người dùng Facebook cảm giác như bị nghe lén để hiển thị quảng cáo?
Chuyên gia an ninh mạng Jake Moore nói với tờ PhoneArena rằng câu hỏi mà anh được hỏi thường xuyên nhất là liệu smartphone có đang bí mật nghe lén người dùng hay không. “Họ không nghe lén”, vị chuyên gia khẳng định.
Thế nhưng tại sao Facebook lại có kỹ năng đáng ngờ trong việc hiển thị quảng cáo khi người dùng vừa nói chuyện bằng lời bên ngoài thế giới thực? Biên tập viên Nick Todorov cho biết từ trải nghiệm cá nhân, Facebook đã quảng cáo cho anh cửa sổ trần, vali kéo trẻ em,… ngay khi anh vừa đề cập trong cuộc hội thoại.
Jake Moore là cố vấn an ninh mạng toàn cầu tại ESET với hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong ngành. Anh khẳng định: “Theo luật, Facebook, Meta hay Instagram không được phép nghe lén và họ cũng không có khả năng này. Tôi chưa bao giờ tìm thấy một bằng chứng nào thực sự cho thấy họ đang nghe lén”. Mặc dù vậy, vị chuyên gia nói rằng anh đã nghe hàng nghìn giai thoại về vụ việc này.
Điều này khiến người ta tự hỏi vậy điều gì đang xảy ra. Nếu điện thoại thực sự không thể nghe lén mọi thứ chúng ta nói xung quanh chúng để phục vụ quảng cáo, thì tại sao nhiều người lại nhận được những quảng cáo trúng đích như vậy?
Jack nói rằng smartphone có công nghệ để nghe được cuộc hội thoại bên ngoài, nhưng trừ khi người dùng cho phép chúng. Chẳng hạn tính năng đánh thức trợ lý ảo "Hey Siri" và "Okay Google”.
Điều mà điện thoại không được phép làm là chủ động nghe lén mọi thứ người dùng nói. Chúng không thể ghi lại nhật ký các cuộc trò chuyện bằng micro để phục vụ quảng cáo nhắm mục tiêu. Nhưng ngay cả khi không có khả năng này, Meta và Google đã thu thập lượng dữ liệu đủ lớn về mỗi người dùng.
Họ biết tuổi, giới tính và tình trạng hôn nhân; họ biết nơi chúng ta sống, nơi chúng ta đến và biết chúng ta kết bạn với ai, quan tâm đến điều gì, tìm kiếm điều gì, tiêu thụ nội dung như nào, mua thương hiệu nào, quan tâm tới chủ đề gì,…
Các gã khổng lồ công nghệ cũng có kỹ năng trong việc kết nối giữa những dữ liệu rời rạc kể trên. Những kết nối này sau đó được sử dụng để phục vụ các quảng cáo mà người dùng có nhiều khả năng quan tâm hơn.
Các nghiên cứu cho thấy mọi người nói hàng nghìn từ mỗi ngày, và chắc chắn trong số đó có những từ khóa có thể được liên kết với một sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp được quảng cáo trực tuyến.
Đồng thời, số lượng quảng cáo chúng ta nhìn thấy mỗi ngày lên đến hàng trăm. Do đó, nếu điện thoại của chúng ta đang nghe lén để phục vụ quảng cáo, đáng lẽ sẽ phải có hàng nghìn quảng cáo tương ứng được phân phối liên tục trong ngày. Và như thế, việc nghe lén để quảng cáo mục tiêu trở nên vô nghĩa.
Nhưng vấn đề là mọi người thường không chú ý đến hàng trăm trường hợp quảng cáo không khớp hoặc sai mục tiêu. Mặt khác, họ thường chú ý đến những quảng cáo trúng đích vì sản phẩm vốn đã nằm trong tâm trí họ.
Trên thực tế, có trường hợp cuộc trò chuyện của người dùng được bắt nguồn từ một quảng cáo tương tự mà họ đã vô tình nhìn thấy trước đó. Và đôi khi việc hiển thị quảng cáo còn nhờ sự kết hợp giữa những mẫu dữ liệu của Facebook và Google mà thương hiệu có được.
Chuyên gia cảnh báo rằng hãy nhớ Google và Meta biết nhiều hơn về bản thân và thói quen của chúng ta hơn những gì chúng ta nghĩ. Vì vậy, nếu một quảng cáo về nhà hàng tự nhiên xuất hiện sau khi bạn đề cập tới nó trong đoạn hội thoại, thì điều có khả năng nhất là bạn đã thường xuyên tới đó vào thời điểm đó trong ngày.
“Tôi chắc chắn rằng không phải ai cũng hài lòng với lời giải thích này. Nhưng đây vẫn là một lời giải thích có khoa học cho đến khi có bằng chứng rõ ràng nhất xuất hiện chứng minh rằng chúng ta thực sự đang bị nghe lén qua điện thoại”, Jake Moore nói.