|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao các chương trình ‘thị thực vàng’ lại dần bị khai tử?

14:13 | 28/04/2024
Chia sẻ
Mới đây, một loạt các nước châu Âu tuyên bố chấm dứt “thị thực vàng” – chương trình giúp các nước thu hút hàng tỷ euro từ các nhà đầu tư bất động sản đang tìm kiếm quyền cư trú. Được hình thành để thu hút đầu tư song nhiều chương trình đã trở thành lỗ hổng để tội phạm có tổ chức và tham nhũng hoành hành.

Chương trình "thị thực vàng' của đảo Síp chấm dứt từ năm 2020. (Ảnh: DW).

Theo tờ Bloomberg, chương trình thị thực vàng và hộ chiếu vàng trong nhiều năm qua đã thu hút sự chú ý khi một số quốc gia nỗ lực mở cửa, khuyến khích người nước ngoài giàu có gửi tiền để đổi lấy quyền cư trú hoặc quyền công dân tại nước đó.

Ví như hòn đảo Dominica nhỏ bé ở Caribe đã nhận được nhiều tiền đầu tư hơn khi cung cấp chương trình thị thực với mức giá 100.000 USD/người. Hòn đảo này thu hút nhiều công dân Trung Quốc, Nga và Iran giàu có. Sở hữu tấm hộ chiếu Dominica, những công dân này có thể di chuyển miễn thị thực 90 ngày tại Liên minh châu Âu.

Hiện có hơn 60 quốc gia vận hành các chương trình thị thực vàng hoặc hộ chiếu vàng, bao gồm một số quốc gia EU. Tuy nhiên, mối lo ngại ngày càng tăng là các chương trình này đang bị lạm dụng bởi các đường dây tội phạm có tổ chức và các quan chức tham nhũng. Điều đó đã khiến Ủy ban châu Âu năm ngoái kêu gọi các quốc gia thành viên ngừng chương trình.

Tây Ban Nha, Ireland, Cộng hoà Síp (Cyprus) và Hà Lan đã cắt giảm chương trình cấp thị thực cho đối tượng VIP, trong khi Bồ Đào Nha cải tổ chương trình từ tháng 10/2023. Malta và Hungary đang chịu sức ép của EU nhằm chấm dứt chương trình thị thực vàng. Brussels đã khởi động hành động pháp lý nhằm vào Malta vì cấp quyền công dân với giá khoảng 1 triệu euro.

Trong khi đó, Hungary đã tạm ngưng chương trình nhưng có kế hoạch khởi động lại vào cuối năm nay. Ứng viên sẽ được yêu cầu mua bất động sản, mua cổ phần trong quỹ tài sản địa phương hoặc quyên góp từ thiện ít nhất 1 triệu euro vào quỹ tín thác công hỗ trợ các trường đại học địa phương.

Tất cả các nước EU đều thắt chặt các quy định về thị thực đối với công dân Nga và Belarus sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Ở nửa còn lại của thế giới, hồi tháng 1, Australia đã dừng chương trình cấp thị thực cho nhà đầu tư quan trọng. Ra mắt vào năm 2012, người nộp đơn phải đầu tư ít nhất 5 triệu đô la Australia vào nước này để có được quyền cư trú.

Theo chính phủ liên bang, ít nhất 85% số đơn đăng ký thành công là của công dân Trung Quốc. Tuy nhiên, chương trình này không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn mà thay vào đó, trở thành nơi trú ẩn của nhiều quan chức tham nhũng.

Eka Rostomashvili, người đứng đầu các chiến dịch chống tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nói với hãng tin DW: "Các chương trình này vốn hấp dẫn các quan chức và tội phạm tham nhũng. Hộ chiếu hoặc giấy phép cư trú bổ sung có thể hữu ích nếu họ đang chạy trốn chính quyền". Theo ông Rostomashvili, thay vì áp dụng các biện pháp thẩm định nghiêm ngặt, nhiều quốc gia đã quá khoan dung và liều lĩnh chào đón những nhân vật đáng ngờ cũng khoản tiền bẩn.

Kristin Surak, Giáo sư xã hội học chính trị tại Cao đẳng Kinh tế và Khoa học London (Anh), cho biết: Trong khi một số quốc gia EU lo ngại về vấn đề ngày một lớn hơn thì các quốc gia ở phía Nam bán cầu lại đưa ra các chương trình thị thực và hộ chiếu vàng lớn, như Malaysia, Panama, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.(UAE). Theo số liệu, UAE nhận cấp thị thực cho 50.000 người/năm theo chương trình thị thực vàng. Con số này là rất lớn so với 30.000 người được chấp thuận cư trú tại Bồ Đào Nha trong hơn 10 năm.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã nhiều lần phàn nàn về việc nhiều chính phủ vẫn giữ bí mật về các chương trình cấp thị thực vàng của họ. Đôi khi, tiêu chí đăng ký sẽ bao gồm việc mua bất động sản hoặc quyên góp cho chính phủ, thay vì các khoản đầu tư có thể thúc đẩy nền kinh tế.

 

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo DW)