Tại sao băng nhóm Đường ‘Nhuệ’ lộng hành 10 năm mà chính quyền Thái Bình không biết?
Không có thế lực ngầm ủng hộ thì không thể làm được
Liên quan tới vụ việc băng nhóm vợ chồng Đường “Nhuệ” lộng hành ở Thái Bình đang khiến dư luận bức xúc thời gian qua, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng bản chất của băng nhóm này là xã hội đen, mafia đột lốt doanh nhân, doanh nghiệp để thực hiện hành vi trái pháp luật bằng cách đe dọa, lợi dụng cơ chế, lợi dụng hành vi của cán bộ có chức, có quyền…
“Đã là mafia thì phải dùng tiền để thao túng quyền lực của quan chức cơ quan nhà nước nào đó để đứng về phía mình, để họ có thể thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Có thể không phải là tất cả nhưng chắc chắn phải có một thế lực ngầm nào đó đứng sau băng nhóm này mới thực hiện được những hành vi như vậy”, ông Kim phân tích, và cho rằng cần phải tìm ra, truy cứu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự những người này.
“Vừa rồi, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 4 cán bộ tỉnh liên quan tới thủ tục đấu giá đất đai. Nhưng nếu như quá trình điều tra còn phát hiện ra những người khác cũng phải giải quyết tới nơi, tới chốn”, ông Kim nói thêm.
Ông Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cũng cho rằng cần phải làm rõ liệu có ai đó bảo kê, có thế lực đằng sau để băng nhóm Đường “Nhuệ” lộng hành.
“Tại sao một băng nhóm xã hội đen lộng hành, làm đủ việc tày trời như thế trong suốt 10 năm mà chính quyền địa phương không biết? Thái Bình đâu phải là một địa phương ở vùng xa xôi hẻo lánh, xa trung ương hay một tỉnh lạc hậu? Đó là điều khiến tôi rất buồn!”, ông Hùng nói.
“Chỉ cần một vài vụ việc, chính quyền địa phương đã phải phát hiện chứ đừng nói là phải mất tới 10 năm. Thế thì có phải chính quyền địa phương không biết gì hay không? Hay đã tê liệt? Tôi cho rằng không phải như vậy. Dứt khoát đằng sau đó là cái gì thì mới có thể kéo dài như thế”, ông Hùng nói.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp kiến nghị trong vụ việc này phải làm rõ 3 vấn đề: Ai bảo kê? Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong chỉ đạo, điều hành? Trách nhiệm của cơ quan dân cử từ Hội đồng nhân dân tới đại biểu Quốc hội trong việc để vụ việc diễn ra trong một thời gian rất dài trên địa bàn.
Cần giám sát chặt chẽ, đi tới cùng vụ việc
Liên quan tới ý kiến cho rằng nên để Bộ Công an vào cuộc xử lý vụ việc, ông Hùng cho rằng, trước hết, chưa cần Bộ Công an mà nên giao cho Công an Thái Bình làm và yêu cầu làm đúng quy định của pháp luật để giám sát.
“Đó chắc chắn là mong ước của người dân, cũng để thấy rằng, người dân có thể tin vào lực lượng tố tụng. Không phải vì cái gì đó mà lại nói T.Ư phải vào cuộc”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho rằng, hiện ngoài cơ quan công an thì hệ thống cơ quan tư pháp còn có Viện kiểm sát nhân dân giám sát chặt chẽ. Hơn nữa, khi vụ việc đã được đưa ra công luận thì sự giám sát cao nhất là của nhân dân. Do đó, muốn không làm tới nơi, tới chốn cũng không được.
Cùng quan điểm, ông Vũ Trọng Kim phân tích, ngoài giám sát của Viện kiểm sát nhân dân, vụ việc còn có sự giám sát của cấp ủy lãnh đạo địa phương, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội ở cùng cấp. “Còn nhiều cơ chế ràng buộc mà không ai có thể làm trái được”, ông Kim nói.
Tuy nhiên, ông Kim cũng cho rằng, ngoài việc giám sát đồng cấp thì các Bộ Công an và các cơ quan T.Ư cũng phải giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ, để đảm bảo vụ việc được đi tới cùng.