|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ Đường ‘nhuệ’: Cơ quan điều tra VKS Tối cao vào cuộc

08:45 | 29/04/2020
Chia sẻ
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao điều tra hoạt động tố tụng trong vụ Đường “nhuệ” đánh người tại trụ sở công an phường bị đình chỉ từ sáu năm trước.

Ngày 28-4, CQĐT VKSND Tối cao đã làm việc, ghi lời khai của bị hại trong vụ băng nhóm Đường "nhuệ" đánh người tại trụ sở công an phường mà Công an TP Thái Bình khởi tố vụ án, sau đó lại tạm đình chỉ.

Làm rõ có xâm phạm hoạt động tư pháp không

Theo đó, hai cán bộ điều tra thuộc CQĐT VKSND Tối cao đã làm việc với bà Đinh Thị Lý là bị hại trong vụ án bị nhóm Đường "nhuệ" đánh tại trụ sở Công an phường Trần Lãm (TP Thái Bình) hồi sáu năm trước.Bà Lý đã làm việc với CQĐT cả ngày 28-4.

Theo một nguồn tin, CQĐT đã xác minh toàn bộ diễn biến vụ việc xảy ra vào sáng 18-11-2014 với hai mẹ con bà Lý. Các cán bộ cũng tập trung làm rõ quá trình tố tụng mà Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã thực hiện từ khi tiếp nhận thông tin, khởi tố vụ án đến khi tạm đình chỉ, cùng việc mẹ con bà Lý đã khiếu nại sau đó.

Sau khi làm việc với bà Lý, điều tra viên của CQĐT VKSND Tối cao sẽ tiếp tục làm việc với bị hại Mai Thế Duy (con trai bà Lý), người bị Đường “nhuệ” đánh vỡ xương hàm.

CQĐT VKSND Tối cao đã vào cuộc là để làm rõ có hay không việc xâm phạm tới hoạt động tư pháp.

Vụ Đường ‘nhuệ’: Cơ quan điều tra VKS Tối cao vào cuộc - Ảnh 1.

Bà Đinh Thị Lý và con trai Mai Thế Duy, người bị Đường “nhuệ” đánh tại trụ sở công an. Ảnh: ĐH

Nhiều cán bộ đã bị bắt giam

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, sáng 18-11-2014, bà Lý cùng con trai tới trụ sở Công an phường Trần Lãm để làm việc liên quan tới khúc mắc tiền bạc với bà G. (trú tại Hà Nội). Theo bà Lý, trong khi mẹ con bà ngồi chờ tại phòng tiếp dân của Công an phường Trần Lãm, có cả cán bộ công an phường, nhóm Đường “nhuệ” đã ập vào phòng, đóng sập cửa.

Tại đây, Đường “nhuệ” chửi bới, đánh vào mặt mẹ con bà Lý. Tới khi thấy cửa phòng hé mở, bà Lý vội chạy ra khỏi phòng hô hoán, nhóm Đường “nhuệ” mới chịu dừng tay. Tuy nhiên, những cú đánh bằng cườm tay của Đường “nhuệ” vào mặt đã khiến Duy bị vỡ xương quai hàm, tỉ lệ thương tật 15%.

Bà Lý cho biết sau khi nhóm Đường “nhuệ” đánh, một số người vận động, o ép bà dàn xếp giải hòa với Đường “nhuệ” nhưng bà kiên quyết yêu cầu xử lý theo pháp luật.

Ngày 5-1-2015, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, ngày 5-7-2015, ông Cao Giang Nam, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình, ra quyết định tạm đình chỉ điều tra với lý do “đã hết thời hạn điều tra mà chưa xác định được bị can”.

Đến ngày 14-4, sau gần năm năm tạm đình chỉ và băng nhóm Đường “nhuệ” bị Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ do đánh một phụ xe, Công an TP Thái Bình mới ra quyết định phục hồi điều tra vụ án cố ý gây thương tích xảy ra tại trụ sở Công an phường Trần Lãm. Và chỉ một tuần sau, ngày 21-4, Công an TP Thái Bình đã khởi tố bị can đối với Đường “nhuệ” trong vụ này.

Cùng ngày 28-4, khi CQĐT VKSND Tối cao vào cuộc điều tra, ghi lời khai của bà Lý thì ông Cao Giang Nam, người chỉ đạo điều tra và ký quyết định tạm đình chỉ điều tra, bị Công an tỉnh Thái Bình điều chuyển về giữ chức phó trưởng Phòng tham mưu, công an tỉnh này.

Liên quan đến Đường “nhuệ”, đến nay công an đã khởi tố bốn vụ án, trong đó có nhiều cán bộ đã bị bắt tạm giam.

Điều chuyển công tác phó trưởng công an TP Thái Bình

Ngày 28-4, Thượng tá Nguyễn Quốc Vương (Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Thái Bình) xác nhận công an tỉnh này đã điều động ông Cao Giang Nam (Phó Trưởng Công an TP Thái Bình) về nhận công tác tại công an tỉnh.

Theo đó, ông Cao Giang Nam (Phó Trưởng Công an TP Thái Bình) được điều động về giữ chức phó trưởng Phòng tham mưu, Công an tỉnh Thái Bình từ ngày 28-4.

Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình cũng có quyết định điều động ông Ngô Trọng Thể (Phó Trưởng phòng Tham mưu, công an tỉnh) về làm phó trưởng Công an TP Thái Bình, thay thế ông Cao Giang Nam.

Đỗ Hoàng

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.