|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tài sản ròng của 100 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc giảm kỷ lục

07:06 | 10/11/2022
Chia sẻ
Theo tạp chí Forbes, tổng giá trị tài sản ròng của 100 người giàu nhất Trung Quốc năm 2022 đã giảm 39% so với năm trước, từ 1.480 tỷ USD xuống chỉ còn 907,1 tỷ USD, mức giảm kỷ lục.

Những vấn đề liên quan tới kinh tế, chính trị và đại dịch COVID-19 của Trung Quốc đại lục đã góp phần khiến tổng giá trị tài sản ròng của nhóm tỷ phú giàu nhất Trung Quốc giảm xuống.

Theo tạp chí Forbes, tổng giá trị tài sản ròng của 100 người giàu nhất Trung Quốc trong năm 2022 đã giảm 39% so với cùng kỳ năm trước, tức từ 1.480 tỷ USD xuống còn 907,1 tỷ USD. Giá trị tài sản ròng tối thiểu cần sở hữu để lọt top 100 người giàu nhất Trung Quốc năm nay cũng giảm xuống 3,5 tỷ USD so với 5,7 tỷ USD một năm trước. Đây là mức giảm đầu tiên từ năm 2018 và là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay.

Giá trị khối tài sản ròng của nhóm tỷ phú giàu nhất Trung Quốc cũng giảm do những lo lắng về mức sụt giảm hơn 12% giá trị của đồng nhân dân tệ so với đồng USD trong năm qua.

Giá trị tài sản ròng của 10 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc năm 2022. (Nguồn: Forbes - Anh Nguyễn tổng hợp).

Vị trí tỷ phú giàu nhất Trung Quốc năm nay tiếp tục thuộc về Zhong Shanshan, người đứng đầu công ty cung cấp nước đóng chai hàng đầu Trung Quốc Nongfu Spring. Trái với nhiều tỷ phú khác, giá trị khối tài sản ròng của ông Zhong Shanshan năm 2022 chỉ giảm 5% so với năm trước, đạt mức 62,3 tỷ USD.

Giá trị khối tài sản ròng của ông Zhong mất đi ít hơn nhiều người khác là nhờ khoản đầu tư của ông vào nhà cung cấp test COVID Beijing Wantai Biological Pharmacy, và từ việc cung cấp mặt hàng quan trọng là nước uống.

Zhang Yiming, người sáng lập Bytedance, kỳ lân giá trị nhất Trung Quốc và công ty mẹ ứng dụng nổi tiếng TikTok, tiếp tục là người giàu thứ hai Trung Quốc năm nay. Giá trị khối tài sản ròng của ông đạt 49,5 tỷ USD, giảm gần 17% so với năm 2021 trong bối cảnh định giá của các công ty truyền thông xã hội trên toàn cầu sụt giảm.

Robin Zeng, Chủ tịch hãng sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới CATL, là người đứng ở vị trí thứ ba trong danh sách năm nay với khối tài sản ròng trị giá 28,9 tỷ USD, giảm 43% so với mức 50,8 tỷ USD năm ngoái.

Khoảng 4/5 trong số 100 người giàu nhất Trung Quốc năm 2022 “nghèo đi” so với một năm trước. Tỷ phú mất nhiều tiền nhất là ông chủ gã khổng lồ Tencent Ma Huateng (còn được gọi là Pony Ma) do giá cổ phiếu của Tencent giảm gần 50% trong năm qua. Lợi nhuận của Tencent giảm mạnh vào đầu năm nay sau khi doanh thu từ quảng cáo và trò chơi giảm.

Vận may của các tỷ phú công nghệ khác cũng giảm theo. Giá cổ phiếu của nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi niêm yết tại Hong Kong giảm gần 50% so với năm trước, khiến tài sản ròng của Lei Jun, người sáng lập kiêm CEO Xiaomi, từ 17,9 tỷ USD xuống còn 7,6 tỷ USD. Chủ tịch Richard Liu của hãng thương mại điện tử khổng lồ JD.com cũng chứng kiến giá trị khối tái ản ròng giảm từ 17,6 tỷ USD năm 2021 xuống còn 8,3 tỷ USD trong năm nay khi giá cổ phiếu công ty biến động.

Những tỷ phú bất động sản cũng chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm. Yang Huiyan, đồng chủ tịch của nhà phát triển bất động sản Country Garden, là người mất nhiều tiền nhất tính theo tỷ lệ phần trăm. Giá trị khối tài sản ròng của bà giảm mạnh 82% xuống còn 4,91 tỷ USD trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc lao dốc. 5 tỷ phú bất động sản khác cũng đã rớt hạng, bao gồm Hui Ka Yan, chủ tịch “bom nợ” bất động sản China Evergrande Group, người 5 năm trước còn là tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.

Có 12 tỷ phú đã rớt hạng trong năm 2021, nhưng đã quay trở lại danh sách năm 2022, bao gồm Wu Jianshu, người lãnh đạo Tập đoàn Ningbo Tuopu sản xuất phụ tùng ô tô cho các công ty như Porsche, BMW, Rivian và Lucid. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng 25% trong năm qua.

Chỉ có ba cái tên mới gia nhập danh sách 100 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc năm nay, bao gồm Chris Xu, người sáng lập công ty thời trang nhanh trực tuyến Shein, công ty có quần áo giá rẻ được thanh thiếu niên Mỹ ưa chuộng. Xu đứng ở vị trí thứ 25 với khối tài sản ròng trị giá 10 tỷ USD sau đợt gây quỹ mới trong nửa đầu năm. Shein đã mở một trung tâm phân phối mới trong năm nay tại Whitestown, Indiana, dự kiến ​​sẽ tạo ra 1.000 việc làm vào cuối năm nay.

Một người mới khác là Xue Min, cổ đông kiểm soát của nhà sản xuất thiết bị hình ảnh y tế Shanghai United Imaging Healthcare, công ty đã niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải vào tháng 8. Xue, người được cho là có bằng Tiến sĩ từ Đại học Chase Western Reserve, xếp thứ 64 với khối tài sản ròng trị giá 5,25 tỷ USD.

Người mới thứ ba là Zhang Hejun, chủ tịch Ningbo Deye Technology, nhà sản xuất hàng đầu trên thị trường biến tần năng lượng mặt trời toàn cầu với công ty có cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải, đã tăng hơn gấp đôi giá trị kể từ đầu năm 2022.

Thâm Quyến, nơi có nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới BYD, (đã vượt qua Tesla trong năm nay), là thành phố đóng góp 14 tỷ phú trong danh sách 100 người giàu nhất Trung Quốc năm nay, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Bắc Kinh (13 tỷ phú) và Thượng Hải (8 tỷ phú).

Anh Nguyễn