Tài sản Masan Consumer Holdings đạt gần 32.000 tỷ cuối năm 2022
Công ty TNHH Masan Consumer Holdings, vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022. Đây là công ty con gián tiếp do CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group - Mã: MSN) sở hữu 72,8% vốn, bên cạnh đó, Masan Consumer Holdings là công ty mẹ nắm giữ 92,3% vốn cổ phần của CTCP Hàng Tiêu dùng Masan (Masan Consumer - Mã: MCH).
Về chỉ tiêu tài chính, doanh nghiệp cho biết vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2022 đạt 22.638 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,4 lần tại ngày 31/12/2022, tức công ty có 9.055 tỷ đồng nợ phải trả và tổng tài sản đạt 31.693 tỷ đồng.
Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 0,09 lần, tức dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp là khoảng hơn 2.037 tỷ đồng.
Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, doanh nghiệp hiện đang lưu hành một lô trái phiếu mã MCHBONDS2014.
Trái phiếu phát hành ngày 5/12/2014 với kỳ hạn 10 năm, đáo hạn ngày 5/12/2024. Trái phiếu có mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 2.100 tỷ đồng và có lãi suất 8%/năm, kỳ trả lãi mỗi 6 tháng.
Về tình hình kinh doanh, năm 2022, Masan Consumer Holdings lỗ sau thuế 468 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ lãi 2.481 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong báo cáo thường niên năm 2022 của Masan cho biết, năm ngoái, Masan Consumer Holdings có doanh thu thuần đạt 28.103 tỷ đồng, giảm 2,3% so với mức nền cao của năm trước.
Trong năm 2023, Masan Group dự kiến doanh thu thuần của Masan Consumer Holdings sẽ đạt từ 30.500 tỷ đồng đến 33.500 tỷ đồng, tăng 15% - 30% so với doanh thu năm 2022 (không bao gồm doanh thu thịt chế biến).
Đơn vị sẽ tập trung phục hồi doanh thu của các sản phẩm mới và giành thị phần ở những khu vực đạt hiệu quả thấp hơn trung bình của hệ thống. Thực phẩm tiện lợi, đồ uống và chăm sóc cá nhân, gia đình dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính của MCH trong năm nay.
Masan nhận định, 6 tháng đầu năm nay sẽ là giai đoạn rất khó khăn khi lạm phát, lãi suất và rủi ro suy thoái vẫn ở mức cao. Những làn sóng vĩ mô sẽ làm giảm tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như tạm thời làm chậm lại các động lực tăng trưởng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, công ty kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trở lại nhờ vào lãi suất thấp hơn, tín hiệu tích cực từ vốn FDI giải ngân, khách du lịch quốc tế và giải ngân đầu tư công.
Trong dài hạn, Masan nhận định mức tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ bộ phận người tiêu dùng trẻ, thuộc tầng lớp trung lưu và thành thạo công nghệ. Bộ phận người tiêu dùng này đang thúc đẩy tạo ra những hành vi mới với sản phẩm, địa điểm và cách thức mua sắm hàng hóa của mình.
Bên cạnh đó, Masan Group cũng cho biết Masan Consumer Holdings cạnh tranh chủ yếu dựa vào hình ảnh thương hiệu, giá cả, hệ thống phân phối và các danh mục sản phẩm.
Thị trường thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn khi có nhiều thương hiệu và công ty thực phẩm quốc tế nổi tiếng thâm nhập vào thị trường. Masan Consumer Holdings có thể buộc phải đầu tư nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, cũng như khuyến mãi và tiếp thị. Những khoản chi phí này có thể khiến tỷ suất lợi nhuận giảm sút và do đó ảnh hưởng bất lợi đến kết quả hoạt động.