Tái cấu trúc nông nghiệp ĐBSCL là nhiệm vụ sống còn
Tái cấu trúc nông nghiệp cần phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của sản xuất và đời sống xã hội, trên địa bàn cơ sở và toàn bộ vùng ĐBSCL, nhất là của hệ sinh thái lâu đời bao gồm trồng lúa, nuôi trồng thủy hải sản, trồng cây ăn trái, rau màu và chăn nuôi gia súc gia cầm.
Trọng tâm của tái cấu trúc nông nghiệp là tái cấu trúc ngành trồng lúa.
Cho tới nay thị trường mà ngành nông nghiệp nước ta tập trung hướng tới là thị trường trung bình thấp, các nước đang và kém phát triển. Vì vậy, nền nông nghiệp được khuyến khích chạy theo sản lượng, phát triển theo chiều rộng. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ |
Năm quan điểm tái cấu trúc nông nghiệp
Để tạo sự đồng thuận rộng rãi trong nhân dân, cần xác định một số quan điểm tái cấu trúc nông nghiệp trên địa bàn như sau:
Thứ nhất, chuyển từ quan điểm chạy theo sản xuất sản lượng lớn sang sản xuất chất lượng cao, giá trị cao.
Cho tới nay thị trường mà ngành nông nghiệp nước ta tập trung hướng tới là thị trường trung bình thấp, các nước đang và kém phát triển. Vì vậy, nền nông nghiệp được khuyến khích chạy theo sản lượng, phát triển theo chiều rộng. Kết quả là hàng năm chúng ta có quá nhiều lúa gạo phẩm chất thấp mà thiếu lúa gạo chất lượng cao, giá trị cao cho thị trường trung bình khá và cao cấp đang phát triển cả trên thế giới và ở trong nước. Hơn nữa người Việt Nam cũng buộc phải ăn gạo cấp thấp, nhiều dư lượng hóa chất có hại. Công sức bỏ ra rất lớn mà giá trị thu về không làm cho người nông dân thoát nghèo được.
Chúng ta cần chuyển dần một tỷ lệ hợp lý diện tích sản xuất lúa gạo phẩm chất thấp sang các loại lúa gạo chất lượng cao, giá trị cao, từ đó gia tăng thu nhập cho nông dân. Như vậy, không phải giảm bớt diện tích trồng lúa trong lúc ĐBSCL sẽ bị nước biển dâng làm mất 30-40% diện tích, mà là phải tăng tỷ lệ diện tích sản xuất gạo chất lượng cao, giá trị cao.
Thứ hai, chuyển từ sản xuất tự phát lạm dụng hóa chất sang sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP đồng thời từng bước sản xuất bằng sinh học và hữu cơ.
Nước ta đã từ lâu quen sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất, thức ăn chăn nuôi cũng dùng nhiều hóa chất, nhưng không theo đúng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP nên đất đai càng ngày càng bị bạc màu, môi trường bị ô nhiễm nặng, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, dễ phát sinh bệnh và dịch bệnh tràn lan, khó chữa trị.
Do đó, trước hết cần vận động nhân dân sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để giảm dần, tiến tới hạn chế tối đa việc sản xuất bằng hóa chất và thay thế bằng phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Thứ ba, chuyển từ sản xuất thuần ba vụ lúa sang đa dạng cây, con trên đơn vị diện tích.
Trên một đơn vị diện tích, cần vận động nông dân trồng hai vụ lúa có chất lượng cao, giá trị cao theo yêu cầu gạo sạch, gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng và xen canh một vụ rau màu như cây bắp, cây đậu hoặc cây làm thức ăn gia súc, đồng thời thả tôm cá thích hợp mùa vụ. Tổng thu nhập trên đơn vị diện tích như vậy sẽ bằng hoặc cao hơn ba vụ lúa hiện nay mà tốn ít công sức và ít hóa chất hơn, tiến tới không có hóa chất độc hại. Ở những vùng trồng lúa đang bị xâm nhập mặn, cần nghiên cứu làm một vụ lúa, một vụ tôm hoặc một vụ lúa và những cây con thích hợp.
Trong tương lai, khi nước biển dâng, nhiều diện tích ruộng bị ngập, cần phải chuyển sang trồng rừng ngập mặn và khai thác thủy hải sản theo hệ sinh thái ven biển.
Thứ tư, chuyển từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang sản xuất theo hộ gia đình hợp tác trong hợp tác xã.
Hộ nông nghiệp và người nông dân muốn đi lên sản xuất lớn, tập trung chuyên canh, chuyên môn hóa, ứng dụng khoa học công nghệ đúng đắn, không thể bằng con đường làm ăn cá thể riêng lẻ.
Tái cấu trúc nông nghiệp cũng là tái cấu trúc đồng ruộng, phát triển vùng chuyên canh, tập trung quy mô vừa và lớn, bằng các hình thức thích hợp mà trước mắt là hình thức hợp tác xã. Cánh đồng mẫu lớn là một bước đi để tiến tới hợp tác xã. Hợp tác xã là con đường đúng đắn và phù hợp giúp cho nông dân đi lên sản xuất lớn. Những chủ ruộng cùng nhau lập ra hợp tác xã, bầu ra hội đồng quản trị của hợp tác xã, và cử hoặc thuê người giỏi kinh doanh để quản lý hợp tác xã (giám đốc hợp tác xã).
Bản thân hợp tác xã là một doanh nghiệp có quy mô không nhỏ, có khả năng tự kinh doanh số lượng nông sản của mình, đồng thời có quan hệ mua bán, trao đổi với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản, xuất khẩu lúa gạo khác, kể cả với doanh nghiệp nước ngoài. Chủ ruộng giỏi sản xuất nhưng giám đốc hợp tác xã phải giỏi kinh doanh mới ổn định tiêu thụ nông sản được.
Thứ năm, chuyển từ phụ thuộc sang chủ động thị trường, sản xuất theo yêu cầu thị trường, tiêu thụ theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ cụ thể.
Lưu thông phân phối là chỉ dẫn của sản xuất trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, nông dân sản xuất cây, con gì thị trường có nhu cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp, như doanh nghiệp xuất khẩu gạo hay doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần xác định vai trò và trách nhiệm “định hướng thị trường” lâu dài bằng cách đặt hàng và bao tiêu sản phẩm chất lượng như gạo sạch, an toàn, gạo hữu cơ. Như vậy chắc chắn sẽ vừa đảm bảo lợi ích cho nông dân, đồng thời doanh nghiệp sẽ đạt được mục đích kinh tế và xã hội của mình.
Ba mục tiêu tái cấu trúc
Với những quan điểm vừa nêu chúng ta xác định các mục tiêu tái cấu trúc nền nông nghiệp ĐBSCL như sau:
Một là, tái cấu trúc nhằm hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả, hạn chế hóa chất độc hại, với nông sản thực phẩm sạch, an toàn và nông sản thực phẩm hữu cơ phục vụ tốt đời sống nhân dân.
Hai là, tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu nền sản xuất lớn, tập trung, chuyên canh, ứng dụng khoa học - công nghệ và vận động nông dân làm ăn hợp tác bằng những hình thức thích hợp, tiến lên phương thức sản xuất hiện đại, trên cơ sở đó tăng năng suất lao động nông nghiệp và gia tăng thu nhập cho nông dân.
Ba là, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Việt Nam để có thể cạnh tranh thắng lợi trong hội nhập thị trường thế giới. Bằng vận động giáo dục nhân dân và bằng luật pháp, Nhà nước hướng dẫn tiêu dùng, tạo thị trường và quảng bá sản phẩm, từng bước mở rộng thị phần nông sản thực phẩm sạch, an toàn và phát triển nông sản thực phẩm hữu cơ.
Để thực hiện thành công tái cấu trúc nông nghiệp ở ĐBSCL, Nhà nước cần sớm ban hành tiêu chuẩn Việt Nam đối với nông sản thực phẩm sạch, an toàn và nông sản thực phẩm hữu cơ, đồng thời xác định cơ quan thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát và công nhận đúng chuẩn, xác nhận nguồn gốc, xuất xứ.
Chính phủ cần siết chặt kỷ cương kỷ luật thị trường nông sản thực phẩm, nghiêm trị các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm bẩn, độc hại, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Chính phủ ban hành những chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển thị trường nông sản thực phẩm sạch, an toàn và hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực tài chính, khoa học- công nghệ và chuyên gia kỹ thuật... và thủ tục hành chính dễ dàng.
Tái cấu trúc nông nghiệp là một cuộc cách mạng về lực lượng sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất mới, vì vậy Chính phủ cần tổ chức cơ quan điều hành đủ mạnh, tập trung thống nhất chỉ đạo, để vận động nhân dân, phối hợp các nguồn lực, phối hợp các cơ quan chuyên ngành, khoa học- công nghệ và hệ thống chính trị tạo ra sức đột phá làm chuyển biến tình hình trong một thời gian nhất định nhằm định hình nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái bền vững, rồi tiếp tục nâng lên trong nhiều năm tiếp theo.
Phạm Chánh Trực
(*) Nguyên Phó trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương