|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tái cấu trúc công ty chứng khoán, một năm nhìn lại

10:11 | 31/12/2017
Chia sẻ
Năm 2017, các công ty chứng khoán vẫn tiếp tục thực hiện tái cấu trúc nhằm đáp ứng các dịch vụ cho khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều ấn tượng không đẹp từ một số công ty.

Trong năm qua, các công ty chứng khoán (CTCK) ghi nhận đã nâng cao hơn về quản trị rủi ro, tuân thủ pháp luật ngày càng tốt hơn, dịch vụ cho khách hàng ngày càng được cải thiện. Số lượng Công ty Quản lý quỹ đang hoạt động bình thường là 45 và 4 công ty đang trong diện tái cấu trúc.

tai cau truc cong ty chung khoan mot nam nhin lai
Năm 2017 đánh dấu nhiều sự thay đổi của một số công ty chứng khoán (ảnh minh họa)

Tăng vốn điều lệ, thực hiện triển khai chứng khoán phái sinh và chứng quyền

Công tác chuẩn bị cho sự vận hành của thị trường chứng khoán phái sinh về cơ bản đã hoàn tất: Các quy chế và quy trình phục vụ quản lý vận hành TTCK phái sinh đã được hoàn thiện và ban hành đầy đủ.

Theo đó, một số CTCK như CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), CTCP Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thinh Vượng (VPBS), CTCP Chứng khoán VNDirect, CTCP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) hay CTCP Chứng khoán MB (MBS) trong năm qua là những công ty tiên phong trong việc hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh bao gồm các hoạt động môi giới, tự doanh chứng khoán phái sinh.

Vào thời điểm cuối năm 2017, để có thể thực hiện triển khai thêm sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, BSC tăng vốn điều lệ thông qua phát hành 10 triệu cổ phiếu ra công chúng. SSI công bố Điều lệ sửa đổi vào tháng 9/2017 để bổ sung nội dung phát hành sản phẩm này. Một số công ty có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng như VNDirect, MBS, chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã có những bước chuẩn bị kĩ càng cho việc triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo.

Một số công ty khác tăng vốn điều lệ. Trong đó, Chứng khoán Artex chào bán thành công 17,5 triệu cổ phiếu. Chứng khoán Phú Hưng và chứng khoán ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam gửi hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ vào cuối năm.

Kết quả kinh doanh sau 9 tháng đầu năm 2017 tại một số công ty tăng trưởng. Nổi bật, BSC đạt lợi nhuận sau thuế hơn 146 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ. VCSC lợi nhuận đạt 90 tỷ đồng, tăng 64%. Chứng khoán ngân hàng Công thương lãi 74 tỷ, tăng 48%.

Dòng vốn từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đổ vào thực hiện M&A

Gần nhất vào tháng 12, Chứng khoán Phương Nam đã chuyển nhượng 49% vốn cho quỹ đầu tư đến từ Singapore là Sunvie Investment PTE Ltd và chính thức đổi tên thành chứng khoán Funan

tai cau truc cong ty chung khoan mot nam nhin lai Sau khi trao 49% cổ phần cho quỹ Sunvie, CK Phương Nam đổi tên thành CK Funan

Cuối tháng 11 vừa qua, chứng khoán Woori CBV đã chuyển nhượng hơn 96% vốn điều lệ sang công ty chứng khoán Hàn Quốc là NH Invesment & Securities Co.,Ltd. Trước đó vào tháng 10, công ty chứng khoán từ Hàn Quốc là KB Securities đã chi hơn 700 tỷ đồng để sở hữu 99% vốn tại Chứng khoán Martitime (MSI).

Chứng khoán Đệ Nhất (FSC) chuyển nhượng 100% vốn cho tổ chức từ Hồng Kông là Yuanta Securities Company Ltd và Yuyanta Securities Asia Financial Services Ltd.

Vào tháng 9, Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) đã bầu ông Hao Dan, người Trung Quốc đến từ Tập đoàn đầu tư Hồng Triêt Thượng Hải trở thành chủ tịch nhiệm 2017-2022.

Mở rộng chi nhánh, UBCKNN chấp thuận việc cung cấp sản phẩm trực tuyến cho một số công ty

Ở diễn biến khác, trong năm qua có thêm hơn 15 CTCK được ủy bán chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận đủ điều kiện để cung cấp sản phẩm giao dịch trực tuyến bao gồm: CTCP chứng khoán HFT, Chứng khoán Smart Invest, Chứng khoán Đại Việt, Chứng khoán Phú Gia, Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương, chứng khoán ASEAN, Chứng khoán Đại nam, Chứng khoán Nhật Bản, Chứng khoán Beta, ...

Một số CTCK như VNDirect, Chứng khoán Trí Việt, Chứng khoán Martime, Chứng khoán IB ghi nhận đã mở rộng bằng việc thành lập thêm chi nhánh ở TP HCM, chứng khoán Tân Việt mở thêm chi nhánh ở Vĩnh Long. Ngoài ra, chứng khoán Liên Việt cũng mở thêm chi nhánh tại Hà Nội.

Tháng 10 ghi nhận thêm Chứng khoán Mê kông được UBCKNN chấp thuận trở thành công ty đại chúng.

Một số CTCK bị đình chỉ và chấm dứt hoạt động chi nhánh

Trong đó, chứng khoán KIS Việt Nam đã bị hủy đăng ký công ty đại chúng. Công ty chứng khoán từ nước ngoài là Chứng khoán YuanTa Korea chấm dứt văn phòng đại diện ở TP HCM.

Chứng khoán Đông Dương bị đình chỉ toàn bộ hoạt động từ tháng 13/12/2017 đến 13/6/2018 do không duy trì các điều kiện cấp giấy phép hoạt động. Mới nhất, Chứng khoán Công nghiệp bị đình chỉ hoạt động 3 tháng từ 28/12/2017 do lạm dụng, chiếm dụng tiền khách hàng cùng với việc công bố thông tin sai lệch, vi phạm hạn chế đầu tư.

tai cau truc cong ty chung khoan mot nam nhin lai Chứng khoán Công nghiệp bị đình chỉ hoạt động do chiếm dụng tiền khách hàng

Nhiều CTCK bị xử phạt liên quan đến nhiều hành vi sai phạm khác nhau

Điển hình với trường hợp của Chứng khoán Công nghiệp bị xử phạt gần 600 triệu đồng cho hành vi bên trên. Chứng khoán Bảo Minh bị phạt 250 triệu đồng do cung cấp dịch vụ tài chính khi chưa có quy định hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các công ty khác như Chứng khoán Quốc tế Việt Nam bị phạt 200 triệu đồng do hành vi cho khách hàng vay tiền trái quy định pháp luật. Chứng khoán Phú Hưng bị phạt 125 triệu đồng về việc vi phạm quy định về giao dịch ký quỹ chứng khoán.

Chứng khoán Đại Nam bị phạt 225 triệu đồng do cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định. Ngoài ra, chứng khoán Woori CBV cũng ghi nhận bị phạt 140 triệu đồng do liên quan đến việc chậm nộp thuế.

Ủy ban chứng khoán nhà nước nâng cao vai trò quản lý

Năm 2017, UBCKNN đã tích cực xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho Thị trường chứng khoán (TTCK). Trong đó, đáng chú ý là việc đưa hệ thống TTCK phái sinh vào vận hành. Tiếp đến, UBCKNN triển khai tái cấu trúc TTCK, tăng cường công tác quản lý, tích cực thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Về công tác hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường, trong năm 2017, UBCKNN đã dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng.

Các công tác quản lý và tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động tái cấu trúc các CTCK vẫn đang tiếp tục được thực hiện theo lộ trình. Tính đến nay, số lượng CTCK hoạt động bình thường là 79 công ty (giảm khoảng 25% tổng số CTCK).

Minh Đăng