Tác động của việc Mỹ chặn dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI Trung Quốc
Mỹ đã quyết định đưa công ty khởi nghiệp (startup) về trí tuệ nhân tạo (AI) SenseTime của Trung Quốc vào "danh sách đen" đầu tư ngay trước khi công ty này chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc).
Bộ Tài chính Mỹ đã thêm SenseTime vào danh sách "các công ty liên hợp công nghiệp-quân sự Trung Quốc", cáo buộc công ty này có liên quan tới tình hình ở Tân Cương. Tuy nhiên, trong một tuyên bố, SenseTime cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ. Sau khi SenseTime bị đưa vào "danh sách đen", các nhà đầu tư Mỹ bị cấm đầu tư vào cổ phiếu của công ty này, và kế hoạch IPO đã bị hoãn lại.
Công ty khởi nghiệp AI giá trị nhất
Công ty SenseTime của Trung Quốc là nhà phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo lớn nhất trong lĩnh vực thị giác máy tính (computer vision) và nhận diện khuôn mặt. Năm 2018, SenseTime đã trở thành công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo đắt giá nhất thế giới với giá trị doanh nghiệp lên hơn 4,5 tỷ USD.
Kể từ năm 2017, công ty để ngỏ ý định thực hiện IPO mà không nêu thời điểm cụ thể. Hơn nữa, SenseTime hành động rất thận trọng, để tránh các vấn đề có thể xảy ra với các cơ quan quản lý của Mỹ, công ty đã chọn sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) để niêm yết cổ phiếu.
Tuy nhiên, vào năm 2020, SenseTime đã hoãn IPO sau khi công ty cùng với ba startup khác của Trung Quốc là Megvii, Yitu và CloudWalk bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào "danh sách đen" vì bị cáo buộc tham gia phát triển các hệ thống vi phạm nhân quyền.
Sau khi bị đưa vào "danh sách đen", các công ty này bị cấm mua các công nghệ và linh kiện của Mỹ. Tuy nhiên, SenseTime đã có thể vượt qua những khó khăn này, và trong năm nay họ đã quyết định “chào sàn” trên thị trường chứng khoán.
Kế hoạch huy động vốn kỷ lục
Theo hồ sơ, SenseTime đã lên kế hoạch bán 1,5 tỷ cổ phiếu và giúp công ty này huy động được 767 triệu HKD (98,35 triệu USD). Con số này bị cắt giảm vào đầu năm nay, sau khi SenseTime đặt mục tiêu huy động tới 2 tỷ HKD do thị trường biến động mạnh. Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng, công ty sẽ không thể thu hút số vốn lớn như vậy, vì khách hàng chính của họ vẫn là các cơ quan nhà nước.
Về nguyên tắc, thị trường thị giác máy tính, hệ thống nhận điện khuôn mặt đã bão hòa. Tuy nhiên, đợt IPO của SenseTime có thể là thương vụ lớn nhất trên sàn chứng khoán Hong Kong trong một tháng. Công ty đã dự kiến sẽ dành ít nhất 60% số tiền huy động được cho nghiên cứu và phát triển.
Ngày 10/12, thay vì đưa ra mức giá niêm yết như đã lên kế hoạch, SenseTime đã tiến hành các cuộc thảo luận khẩn cấp với Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong và các luật sư về tương lai của IPO trước những các báo cáo về việc công ty này bị đưa vào “danh sách đen” của Mỹ.
Ngày 13/12, sau khi thông báo hoãn kế hoạch IPO, Sensetime vẫn khẳng định công ty cam kết hoàn thành IPO và sẽ đưa ra một bản cáo bạch bổ sung cũng như điều chỉnh thời gian biểu niêm yết. Tuy nhiên, trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong ngày 13/12, Sensetime đã không cung cấp thông tin chi tiết về thời gian tiến hành IPO. Công ty này nhấn mạnh sẽ hoàn trả đầy đủ tất cả các khoản tiền (không tính lãi suất) mà người mua cổ phiếu đã đăng ký trong quá trình chào bán.
Hiện tại vẫn chưa rõ quyết định của Mỹ đưa công ty vào "danh sách đen" sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch IPO của Sensetime. Vấn đề chính là, trong số các nhà đầu tư rót vốn vào hãng trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc có cả các công ty Mỹ như công ty tư nhân Silver Lake, cũng như Fidelity và Qualcomm, nhưng với số cổ phần ít hơn. Và ngân hàng HSBC sẽ là một trong những nhà bảo lãnh cho đợt IPO sắp tới.
Tác động của biện pháp "khóa" dòng vốn
Mỹ hiện đang mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc thậm chí không có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Mei Xinyu, nhà nghiên cứu tại Học viện Thương mại Quốc tế và Hợp tác Kinh tế Trung Quốc thuộc Bộ Thương mại, nhận xét rằng trước đây Mỹ cũng đã ngăn cản người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp này đang trở nên phổ biến hơn.
Ban đầu chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các quỹ hưu trí dành cho nhân viên chính phủ không được đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Chính sách trừng phạt dần dần được mở rộng. Giờ đây, các công ty đầu tư, các quỹ hưu trí và các nhà đầu tư tổ chức khác của Mỹ không thể đầu tư vào các công ty nằm trong "danh sách đen". Chuyên gia Mei Xinyu nói rằng rõ ràng là quyết định của Mỹ sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho SenseTime. Đồng thời, quyết định này gây hạn chế hơn cho nhà đầu tư Mỹ.
Dù vậy, giống như SenseTime vẫn tiếp tục hoạt động dù không có công nghệ của Mỹ, các công ty Trung Quốc cũng có thể hoạt động dù không có vốn đầu tư của Mỹ. Trung Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030. Xét về tổng số bài báo khoa học về trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc từ lâu đã vượt qua Mỹ. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc đang dẫn đầu trong một số ngành ứng dụng nhất định như thị giác máy tính, nhận dạng giọng nói,...
Lệnh cấm đầu tư của Mỹ khó có thể làm gián đoạn tiến bộ đổi mới AI của Trung Quốc, đặc biệt là trong các ứng dụng. Nhu cầu về công nghệ nhận diện khuôn mặt và thị giác máy tính đã gia tăng trong thời gian đại dịch vì các hệ thống này đã giúp thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.