|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sửa qui định chống chuyển giá, hồi lại 5.000 tỉ có thể trừ dần vào tiền thuế

07:58 | 01/04/2020
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc hồi tố rất cần thiết cho doanh nghiệp trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này. Và khoản kinh phí phải trả 4.872 tỉ nên cho khấu trừ dần vào tiền thuế các năm tiếp theo là khả thi.

Khấu trừ thuế phải đóng hàng năm

Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm không hồi tố khoản thuế liên quan đến trần lãi vay trong giai đoạn 2017-2018, mặc dù đã có nhiều ý kiến đồng ý việc hoàn trả cho DN.

Theo văn bản vừa được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về việc tổng hợp, giải trình ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo sửa đổi khoản 3, điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP, việc nâng trần lãi vay từ 20% lên 30% và tính theo lãi thuần đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối. Về quy định hồi tố khoản thuế liên quan đến trần lãi vay năm 2017-2018, đa số ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý.

Sửa quy định chống chuyển giá, hồi lại 5.000 tỷ có thể trừ dần vào tiền thuế - Ảnh 1.

Đây là vấn đề đã được rất nhiều DN kiến nghị trong gần 3 năm qua. Nếu được tháo gỡ và hoàn lại, DN sẽ có thêm nguồn lực trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm không hồi tố. Một trong những lý do được Bộ nêu ra là, “chưa có nguồn thanh toán” cho tổng kinh phí phải hoàn trả là 4.875 tỷ đồng (2.067 tỷ đồng năm 2017 và 2.808 tỷ đồng năm 2018).

Theo chuyên gia trong ngành Tài chính, ngành thuế có thể hoàn toàn xử lý được việc này bằng cách trừ vào số tiền thuế phải nộp của doanh nghiệp trong các kỳ tính thuế tiếp theo. 

Khi đó sẽ không ảnh hưởng đến quyết toán ngân sách Nhà nước các năm 2017, 2018, không phát sinh việc hoàn trả thuế từ ngân sách Nhà nước nên không cần phải bố trí thêm nguồn thu như Bộ Tài chính lo ngại.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính quốc tế cho rằng: "Nếu cơ quan quản lý Nhà nước đã nhận ra mức chi phí lãi vay đưa ra trước đó (20%) là chưa hợp lý thì việc sửa là đương nhiên. Thế nhưng đã sửa thì sửa tận gốc, tức là phải có hồi tố".

Thực tế, trong văn bản góp ý của Bộ Tư pháp trước đó, cơ quan này cũng cho rằng, việc hồi tố hay không hồi tố đều không vướng mắc về mặt pháp lý. 

Luật hiện cho phép nếu doanh nghiệp có số tiền thuế đi nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì được bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo.

Cùng quan điểm, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm như vậy giúp ngân sách không cần phải thu xếp ngay một khoản tiền lớn nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Nguồn lực hỗ trợ DN

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc hồi tố khoản thuế trên đặc biệt có ý nghĩa với các DN trong hoàn cảnh dịch covid-19 đang đẩy rất nhiều DN vào khó khăn, thậm chí không ít DN lớn cũng lâm vào tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội. 

Nghị định 20 được sửa đổi và khoản tiền gần 5000 cũng là 1 nguồn hỗ trợ quý báu.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, nên nhìn câu chuyện ở góc độ xa hơn. Bởi, những con số gia tăng về nộp thuế sẽ dẫn đến DN báo lỗ trong hoạt động kinh doanh.

Đây không phải lần đầu ông Trương Thanh Đức lên tiếng về sự bất hợp lý của Nghị định 20. 

Trước đó, vị luật sư này đã nhiều lần cảnh báo, việc áp trần lãi vay với các DN ở mức thấp đã cho thấy cơ quan quản lý bị “nhầm” từ gốc bởi theo quy định, DN có thể được khấu trừ các loại chi phí nếu là hợp lý, hợp lệ.

Sửa quy định chống chuyển giá, hồi lại 5.000 tỷ có thể trừ dần vào tiền thuế - Ảnh 2.

"Nghị định 20 nhằm chống chuyển giá nhưng bị cho là ‘đánh nhầm người nhà’ nên hầu hết các DN trong nước đã bị vạ lây. Đặc biệt trong tình trạng a nhiều khó khăn  hiện nay, việc gỡ bỏ những quy định chưa hợp lý cần được làm càng nhanh càng tốt”, ông Đức nói.

Theo nghị định có hiệu lực từ tháng 5/2017, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh cộng với lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ.

Quy định trên đồng nghĩa, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Hàng loạt doanh nghiệp sau đó đã có văn bản kêu cứu vì số thuế phát sinh cả trăm tỷ đồng như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - LILAMA, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM),...

Rất nhiều hiệp hội, chuyên gia kinh tế cũng đã gửi kiến nghị lên các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi nghị định.

Hoàng Đức