|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sửa Luật Điện lực để 'gỡ vướng' cho điện khí và điện gió ngoài khơi

21:32 | 16/10/2024
Chia sẻ
Luật “xương sống” cho sự phát triển các dự án điện khí LNG hay điện gió ngoài khơi là Luật Điện lực vẫn còn nhiều “khoảng trống pháp lý” cần được lấp đầy.

Quang cảnh buổi Toạ đàm. (Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN).

Việc phát triển các dự án năng lượng xanh như điện khí LNG và điện gió ngoài khơi theo định hướng của Quy hoạch Điện VIII đều đang gặp nhiều vướng mắc do thiếu hành lang chính sách cần thiết. Đặc biệt, luật “xương sống” cho sự phát triển các dự án điện xanh này là Luật Điện lực vẫn còn nhiều “khoảng trống pháp lý” cần được lấp đầy. Đây là nội dung được đưa ra tại toạ đàm “Luật Điện lực sửa đổi: Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 55/NQ-BCT, Kết luận 76-KL/TW” do Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức sáng 16/10.

Điện khí LNG "vướng", điện gió ngoài khơi cũng "tắc"

Ông Nguyễn Duy Giang, Phó Giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) trình bày tham luận. (Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN).

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) Nguyễn Duy Giang cho biết, mặc dù Quy hoạch Điện VIII cho phép triển khai 15 dự án điện khí LNG, nhưng cho đến nay mới có 2 dự án đầu tiên do PV Power làm chủ đầu tư và tham gia đầu tư đang triển khai, còn lại một số mới tìm được chủ đầu tư, một số vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Thực tế là dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4, một dự án được coi là hình mẫu trong triển khai đầu tư dự án điện khí LNG do PV Power làm chủ đầu tư thì cũng phải mất 8 năm để có thể phát điện thương mại cả hai tổ máy (dự kiến năm 2025), trong đó 2/3 thời gian dành cho hoàn tất thủ tục, thời gian xây dựng chỉ chiếm 1/3.

Cùng đó, dự án điện khí LNG nhập khẩu Quảng Ninh với công suất 1.500 MW theo hình thức IPP đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của đối tác nước ngoài (Tokyo Gas 20%, Marubeni 20%, 60% là Việt Nam trong đó PV Power chiếm 30%) dù đã được trao Giấy phép cho chủ đầu tư từ tháng 7/2022, nhưng đến nay mới đang chuẩn bị trình nghiên cứu khả thi (FS) điều chỉnh, xem xét, để có thể khởi công vào cuối năm 2025 đầu năm 2026 và đưa vào vận hành từ năm 2028-2029".

Theo ông Nguyễn Duy Giang, đầu tư nhiệt điện khí LNG là mô hình tương đối mới nên việc có các “khoảng trống” pháp lý trong Luật Điện lực là tất yếu. Vì vậy, cơ quan quản lý đang điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với xu thế quốc tế xanh hóa, giảm phát thải carbon, cũng như là trong bối cảnh Chính phủ công bằng. Theo đó, vướng mắc lớn nhất với triển khai dự án điện khí LNG nhập khẩu chính là vay vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, để có thể vay vốn nước ngoài, dự án điện khí LNG nhập khẩu buộc phải hội tụ đủ 3 yếu tố. Thứ nhất là cam kết mục tiêu sản lượng ở mức tối thiểu, ví dụ từ 70%-80% như thông lệ quốc tế. Thứ hai, do giá LNG không phụ thuộc vào Việt Nam cần phải được chuyển ngang vào giá điện giống như giá khí tự nhiên. Thứ ba là mặt bằng sạch của địa phương cho xây dựng nhà máy và đường dây truyền tải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Lý giải về việc cùng điều kiện môi trường pháp lý và vĩ mô như nhau, nhưng chỉ có dự án Nhơn Trạch 3 và 4 sắp về đích, trong khi các dự án khác vẫn khởi động ì ạch, ông Nguyễn Duy Giang cho biết, dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 được thực hiện theo mô hình tài chính “complete loan” (mô hình tài chính tổng công ty), trong đó PV Power đứng ra thu xếp tài chính toàn bộ cho dự án và Ban Quản lý cũng do PV Power đứng ra thành lập.

"Trong khi đó, các dự án LNG khác hầu hết đều phải thành lập pháp nhân mới tự có 30% vốn, còn lại 70% đi vay, tự trả nợ và không có bảo lãnh, nếu không có hợp đồng mua bán điện (PPA) với cam kết bao tiêu sản lượng (Qc) nhất định, ngân hàng không cho vay vốn để triển khai.

Vì vậy, mấu chốt để gỡ vướng cho dự án điện khí LNG nhập khẩu chính là cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế sửa đổi cho thị trường LNG nhập khẩu. Theo đó, hợp đồng mua bán điện (PPA) phải có Qc nhất định để nhà đầu tư có thể đàm phán nhập khí LNG, còn một phần theo thị trường điện", ông Giang chỉ rõ.

Đồng tình với đề xuất này, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng cho biết, nếu điện khí LNG nhập khẩu được huy động trên thị trường theo cơ chế như các dạng nguồn khác, Việt Nam sẽ khó thu hút các các nhà đầu tư điện khí LNG, vì việc nhập khẩu khí LNG phải theo hợp đồng dài hạn để đảm bảo về sản lượng, cũng như có giá thành tiết kiệm 73% so với giá khí LNG ngắn hạn.

Ông Nguyễn Tuấn, Trưởng Ban Thương mại PTSC kiến nghị cần sớm có cơ chế thí điểm cho các dự án điện gió ngoài khơi. (Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN).

Không chỉ dự án điện khí LNG, mà các dự án điện gió ngoài khơi cũng đang khó khăn, ông Nguyễn Tuấn, Trưởng ban Thương mại, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - doanh nghiệp đầu tiên được cấp giấy phép khảo sát điện gió ngoài khơi sang Singapore cho biết.

Giá điện theo quy định của Bộ Công Thương chỉ khoảng 8,5 cent/kWh, thấp hơn nhiều so với giá điện gió tại Anh lúc mới phát triển (20 cent/kWh) và thấp hơn giá điện gió ngoài khơi tại Đài Loan (Trung Quốc) năm 2024 (khoảng 4.500 Đài tệ, tương đương 14,6-15 cent/kWh).

Thực tế trong giai đoạn thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi, hầu hết các nước trên thế giới đều xây dựng chính sách FiT (Feed-in Tariff) là mức giá được quy định và hỗ trợ bởi chính phủ hoặc cơ quan điều hành năng lượng để mua lại năng lượng điện được tạo ra từ các nguồn tái tạo; sau đó sẽ thả dần giá điện gió ngoài khơi theo thị trường.

Với suất đầu tư điện gió ngoài khơi rất lớn với 1 GW tốn vài tỷ USD, nếu cơ quan quản lý không có cơ chế giá điện phù hợp hoặc chính sách khuyến khích ban đầu như miễn tiền sử dụng đất biển, vốn vay… thì sẽ khó triển khai được các dự án điện gió ngoài khơi theo định hướng trong Quy hoạch Điện VIII.

"Hiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) mới đề cập nhưng chưa cụ thể", ông Tuấn khẳng định. Ngoài ra, theo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu điện gió ngoài khơi đến năm năm 2030 chỉ là 6.000 MW, đến năm 2050 là 70-90 nghìn MW, rất nhỏ so với tiềm năng khoảng 600 GW vào năm 2030.

Vì vậy, Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (Điều 34.7) cần bổ sung thêm quy định về xuất khẩu điện gió để đảm bảo hiệu quả của dự án.

Đặc biệt, hiện việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi do 13 cơ quản lý của Bộ, ngành phụ trách nên nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, trong khi thông lệ quốc tế là cơ chế “một cửa”. Ngoài ra, việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi cần có sự đồng bộ trong quy định giao đất ngoài biển (xây trụ quạt gió) và giao đất tiếp bờ (xây trạm biến áp).

Mấu chốt là sớm sửa Luật Điện lực

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN).

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, mặc dù Bộ Công Thương (với tư cách là cơ quan chủ trì) đã triển khai xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ ngày 28/3/2024 nhưng qua nghiên cứu, tổng hợp và so sánh với những định hướng, chủ trương của Nghị quyết số 55-NQ/TW, Quy hoạch năng lượng Quốc gia, Quy hoạch Điện VIII, Hội Dầu khí Việt Nam nhận thấy việc hiện thực hóa các dự án nguồn điện khí, khí LNG và điện gió ngoài khơi vẫn tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc đối với các cấp quản lý, các chủ thể và nhà đầu tư trong chuỗi dự án.

Điều đó dẫn tới nguy cơ làm chậm và không đảm bảo tốc độ phát triển các dự án nguồn điện trong ngắn hạn và dài hạn theo Quy hoạch Điện VIII, ông Thập nhấn mạnh.

Vì vậy, để tháo gỡ các vướng mắc này, Luật Điện lực sửa đổi cần có các quy định cụ thể để tháo gỡ bài toán thị trường trong phát triển các dự án điện khí LNG, dự án điện giò ngoài khơi. Từ đó nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ yên tâm và các cơ quan soạn thảo cũng sẽ thuận lợi.

Bên cạnh đó, với thực tế là Chính phủ không còn bảo lãnh cho các dự án điện, trong khi quy định về điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước lại khiến cho Petrovietnam và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) không được phép triển khai các dự án có hạn mức lớn hơn quy định dự án nhóm A theo Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về “quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”.

"Vì vậy, Quốc hội cần phê duyệt Điều lệ tổ chức hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước để các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước có đủ năng lực pháp lý cần thiết triển khai dự án năng lượng sạch", Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh.

Góp ý vào Luật Điện lực sửa đổi, Tiến sỹ Ngô Trí Long kiến nghị 6 nội dung chính, trong đó Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi cần có các quy định cụ thể về ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và quy trình cấp phép nhanh chóng để khuyến khích đầu tư vào điện khí.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật sửa đổi cần quy định rõ về cơ chế giá mua điện từ nhiệt điện khí theo giá thị trường, đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư ,trong khi vẫn bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Cùng đó, Luật Điện lực sửa đổi cần có quy định cụ thể về Kế hoạch phát triển nguồn điện sau khi xác định rõ tỷ trọng của nhiệt điện khí trong tổng thể quy hoạch phát triển nguồn điện quốc gia đến năm 2030, cần đưa ra lộ trình triển khai cụ thể. Đặc biệt, Luật Điện lực sửa đổi cũng cần quy định rõ cơ chế phối hợp, trong đó thiết lập cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan để đồng bộ hóa các chính sách hỗ trợ điện khí.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương phát biểu. (Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN).

Tại toạ đàm, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương cho biết, trong khi chờ Quốc hội xem xét thông qua Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện tối đa nội dung của Dự án Luật sửa đổi này. Với tầm nhìn dài hạn, Luật Điện lực sửa đổi sẽ không thể bao hàm tất cả các nội dung hay đề xuất của các doanh nghiệp hiện nay.

Theo đó, một số đề xuất kiến nghị cụ thể sẽ được xem xét trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công Thương để xây dựng các thông tư hướng dẫn thi hành các nội dung chính sách của Luật Điện lực sửa đổi.

Hiện Bộ Công Thương cũng đang xây dựng cơ chế giá cho điện khí LNG, có tính đến các đặc thù của nguồn điện này như hạ tầng, cụm cảng, hệ thống phân phối khí… để trình Chính phủ xem xét thông qua, sau khi Luật Điện lực sửa đổi được Quốc hội xem xét thông qua.

Anh Nguyễn