Sửa luật để phòng ngừa thất nghiệp
“Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi mất việc làm. Song quan trọng hơn vẫn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm…”.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp tại hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện chính sách BHTN do Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức, diễn ra ngày 12-7.
Người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đều từng năm
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, cho biết sau 10 năm thực hiện, số người tham gia đóng BHTN liên tục tăng qua các năm.
Nếu như năm 2009 mới có gần sáu triệu người tham gia BHTN thì tới năm 2015 (thời điểm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có hơn 10,3 triệu người tham gia. Đến năm 2018, có gần 12,7 triệu người tham gia, bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người). Cho đến thời điểm hiện nay, số người tham gia BHTN cán đích 13 triệu người.
Thời gian qua số người được tư vấn, giới thiệu việc làm theo ông Trung có xu hướng tăng theo từng năm, chiếm tỉ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (hơn 96% so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp). Năm 2018, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1,39 triệu người, tăng hơn 10 lần so với số người được tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2010.
Cũng theo ông Trung, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đều theo mỗi năm, chỉ riêng năm 2018 đã có 763.573 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo báo cáo của 63 trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, tất cả người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, công tác hỗ trợ học nghề có những chuyển biến tích cực, số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng.
“Thống kê cho thấy năm 2010 chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề nhưng năm 2015 có tới 24.363 người và năm 2018 là 37.977 người. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như TP.HCM, Hà Nội, Ðồng Nai, Bình Dương...” - ông Trung thông tin thêm.
Từ những số liệu trên, ông Diệp cho rằng việc thực hiện BHTN thực sự đảm bảo nguyên tắc chia sẻ, đóng-hưởng và an toàn quỹ. Thể hiện sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp (DN), giữa DN lớn và DN nhỏ.
Đồng thời, chia sẻ, hỗ trợ giữa những NLĐ, người có nguy cơ mất việc làm thấp với người có nguy cơ mất việc làm cao, thể hiện tính nhân văn và thúc đẩy gắn kết xã hội.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trả lời báo chí tại một cuộc họp của Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh: VIẾT LONG
Nhiều hạn chế khi thực hiện chính sách BHTN
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Diệp, hiện chính sách BHTN vẫn nặng về giải quyết hậu quả mà nhẹ giải pháp phòng ngừa như giảm thiểu việc sa thải hoặc duy trì việc làm cho NLĐ. “Khi NLĐ thất nghiệp, chúng ta giải quyết trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, đào tạo, giới thiệu việc làm. Tuy chính sách hỗ trợ DN để duy trì việc làm đã có nhưng thiết kế quá khắt khe, hầu như chưa có DN nào có thể nhận được hỗ trợ từ quỹ BHTN…” - ông Diệp nhìn nhận.
Năm 2010 chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề nhưng năm 2015 có tới 24.363 người và năm 2018 là 37.977 người. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như TP.HCM, Hà Nội, Ðồng Nai, Bình Dương. Ông LÊ QUANG TRUNG, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm |
Ông Diệp cũng cho rằng chính sách BHTN cũng chưa thiết kế đầy đủ các chính sách nên kết dư của quỹ còn khá cao (80.000 tỉ đồng). Quỹ cũng chưa thực sự hỗ trợ được việc thực hiện các chính sách khác, vẫn còn những hạn chế về tổ chức bộ máy thực hiện chính sách BHTN, về tài chính…
Đồng quan điểm, ông Trung nhìn nhận đến nay đối tượng tham gia BHTN chưa được mở rộng đến NLĐ có hợp đồng lao động từ đủ một tháng đến dưới ba tháng, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao. Cùng với đó, nhận thức về BHTN của một số NLĐ và người sử dụng lao động còn chưa cao, chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình.
“Thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng không chỉ chú trọng các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm đến mức thấp nhất tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ DN và NLÐ duy trì việc làm.
Bảo đảm quyền lợi chính đáng của DN và NLÐ. Phấn đấu giai đoạn đến năm 2025 đạt khoảng 35% lực lượng lao động tham gia BHTN, giai đoạn đến năm 2031 con số này là 45%...” - ông Trung nhấn mạnh.
|