|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam?

07:03 | 31/10/2017
Chia sẻ
Chính phủ phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% năm 2018 nhưng nhiều ý kiến lo ngại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu này.

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội năm 2017 và dự kiến tình hình kinh tế xã hội năm 2018 có đề ra mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Nhiều cử tri băn khoăn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu này. Máy móc, robot sẽ được các doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn, đồng nghĩa với việc lao động phổ thông sẽ thất nghiệp nhiều hơn.

cach mang cong nghiep 40 anh huong den ty le that nghiep cua viet nam
(Ảnh minh họa: internet)

Theo Tổng cục Thống kê, hiện lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 54,5 triệu người, tăng 162.000 người so với cùng thời điểm năm 2016. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị là 3,22%; khu vực nông thôn là 1,81%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 đến 24 tuổi chiếm gần 7,5%.

Cử tri Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề điện Hà Nội, băn khoăn, tình trạng doanh nghiệp sa thải lao động phổ thông độ tuổi trên 35 tại các khu công nghiệp đang gia tăng, bổ sung thêm vào lực lượng thất nghiệp. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhưng nhiều nghề chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp và không làm đúng ngành nghề còn phổ biến.

Ông Đồng Văn Ngọc nêu ý kiến: “Làm thế nào để có một cơ chế cho các trường có khả năng cống hiến cho xã hội nhưng đặc biệt là có cơ chế để giám sát các trường; đảm bảo nhà nước, Chính phủ và xã hội, người dân không đầu tư một cách tràn lan cho việc cứ đào tạo cứ bồi dưỡng, cứ đầu tư vào vùng không hiệu quả. Tôi cảm nhận, Chính phủ biết rõ nhất, điều tiết rõ nhất và phải tính toán thật rõ nét, khoa học, có cách tiếp cận phù hợp”.

Vấn đề năng suất lao động cũng được nhiều cử tri quan tâm, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều dấu hiệu khả quan cho thấy, năng suất lao động năm 2017 ước tính tăng khoảng 5,87%, cao hơn năm 2016 khoảng 0,6% (năm 2016 tăng 5,29).

Cử tri Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam nhận định, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đi vào cuộc sống, tỉ lệ máy móc, robot thay thế con người sẽ tăng cao, thì tình trạng người lao động mất việc làm là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, nhiều người lao động và người sử dụng lao động không tập trung vào mục tiêu mang tính lâu dài.

Cử tri Nguyễn Anh Tuấn nói: “Tôi nghĩ, mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp này Quốc hội đặt ra là một yêu cầu mà toàn xã hội phải tập trung vào giải quyết, trong đó có vai trò của người lao động. Phải tuyên truyền để người lao động thay đổi cách nhìn nhận, không nên chú trọng vào những lợi ích trước mắt, phải có sự đầu tư cho nghề nghiệp. Đối với các doanh nghiệp thì phải thay đổi lại cách sử dụng lao động, tôn trọng người lao động, đánh giá người lao động một cách hợp lý hơn, có chế độ đãi ngộ với người lao động để họ yên tâm với cuộc sống và tiếp tục cống hiến cho doanh nghiệp”.

Thời gian vừa qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều giải pháp nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động. Năm 2017, ước tính giải quyết việc làm cho 1,24 triệu lao động. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có khoảng 1,1 triệu lao động thất nghiệp, trong đó có khoảng 200.000 cử nhân, thạc sỹ.

Để giải quyết vấn đề thất nghiệp, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng: “Cho dù học sinh tham gia học nghề càng ngày càng nhiều hơn nhưng với chính sách hiện nay, việc phân luồng học sinh vẫn chưa có các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể. Do vậy, chúng tôi cũng rất mong muốn rằng Chính phủ sớm có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để phân luồng các em. Tôi cũng mong rằng giáo dục sẽ song hành hướng nghiệp cho các em ngay từ khi các em ngồi trên ghế nhà trường. Tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các bậc cha mẹ học sinh, giúp cho các em hiểu đúng thế nào là học nghề và lập nghiệp ra sao”./.

cach mang cong nghiep 40 anh huong den ty le that nghiep cua viet nam 86% lao động dệt may có thể mất việc vì cách mạng 4.0

Tạo ra sự thay đổi lớn nhưng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 lại là phép thử, đào thải lao động nhân công giá rẻ, ...

Kim Thanh