|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Muốn tiên phong trong công nghiệp 4.0 cần kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

16:55 | 14/06/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng, việc kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh chính là chiến lược "cửa ngõ" để Việt Nam tiến ra thị trường quốc tế, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghiệp hoá của khu vực.

Chiều 14/6, đã diễn ra Phiên toàn Diễn đàn Cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì và chuỗi 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì tổ chức.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho hay, BCH Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Hạ An).

Đây là Nghị quyết chuyên đề có tính tổng thể đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xác định rõ mô hình, quan điểm, mục tiêu và hệ thống các chính sách và giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á.

Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định mô hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam là mô hình dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt..

"Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là các quá trình chuyển đổi then chốt, là những phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá.

Chuyển đổi số cần kết hợp với chuyển đổi xanh

Ông Zafer Mustafaoglu, Đại diện World Bank phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao về Công nghiệp 4.0 (Ảnh: Hạ An).

Dưới góc độ chuyên gia quốc tế, ông Zafer Mustafaoglu, Giám đốc Ban Tài chính, cạnh tranh và đổi mới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đang tăng trưởng ấn tượng song để đạt được mục tiêu tham vọng mà Chính phủ đề ra cần cải thiện rất nhiều.

Về nền tảng công nghệ Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình so với các quốc gia phát triển cả về việc áp dụng công nghệ cũng như trình độ công nghệ của các doanh nghiệp, so với top 20 quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ, Việt Nam còn cách khá xa.

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo ông Zafer Mustafaoglu một phần do Việt Nam chưa có mức đầu tư tương xứng. So với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia tỷ lệ chi cho đổi mới sáng tạo so với GDP của Việt Nam hiện thấp hơn khá nhiều, đặc biệt là so với các quốc gia phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chuyên gia từ World Bank khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Đồng quan điểm, ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ của Liên minh châu Âu tại Việt Nam khuyến nghị, chuyển đối số và chuyển đổi xanh đều đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi chuyển đổi số giúp Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp thì chuyển đổi xanh giúp Việt Nam thu hút được những dự án công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn mới và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo ông PierGiorgio Aliberti, việc kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh chính là chiến lược "cửa ngõ" để Việt Nam tiến ra thị trường quốc tế, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghiệp hoá của khu vực.

Để đạt được mục tiêu này, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đề xuất Việt Nam cần có Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021-2030 cũng như cải thiện tính tuần hoàn của sản phẩm điện tử. Đây là tiêu chí quan trọng để hàng hoá sản xuất tại Việt Nam nổi bật so với hàng hoá từ các quốc gia khác.

Báo cáo tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Thành Trung cho hay, để triển khai thực hiện Nghị quyết, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Thứ trưởng, Dự thảo đã được lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ với đa số các thành viên Chính phủ đồng ý. Hiện Bộ KH&ĐT đang tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2023.

Trong dự thảo Chương trình hành động, Chính phủ dự kiến giao 23 chỉ tiêu cho các cơ quan của Chính phủ chủ trì, theo dõi, đánh giá theo định kỳ thời gian cụ thể; đồng thời đưa ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu và 59 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030. 

Các nhóm giải pháp này tập trung vào đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường.

Đồng thời, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo;  phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Cũng như, phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, bền vững; và phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.