Sửa Luật Đất đai 2013, Chính Phủ yêu cầu xây dựng khung giá đất phù hợp với giá thị trường
Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến về việc sửa Luật Đất đai năm 2013 tại kì họp thứ 9. (Ảnh: Zing News)
Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về qui hoạch, quản lí, sử dụng đất đai tại đô thị.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Kế hoạch là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kì họp thứ 9 (dự kiến diễn ra vào giữa năm 2020 - PV).
Theo kế hoạch, việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai phải khắc phục được các vướng mắc, bất cập, đảm bảo sự thống nhất giữa các luật có liên quan; trường hợp các luật khác có qui định về đất đai thì phải thống nhất với Luật Đất đai; đổi mới chính sách về qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, phương pháp xác định giá đất cụ thể theo hướng hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng khung giá đất phù hợp với giá thị trường. Hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất đảm bảo khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường.
Giá đất phải được tính đúng, tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế, trong đó có lợi thế về vị trí địa lí, lợi thế do qui hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư kết cấu hạ tầng. Khắc phục bất cập về cơ chế và phương pháp xác định giá đất cụ thể, bảo đảm phù hợp với giá thị trường, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Với kế hoạch lần này, Chính Phủ cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan đến quản lí, sử dụng đất đô thị theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội.
Bộ Xây dựng cũng được giao rà soát, sửa đổi và ban hành các qui chuẩn về xây dựng, qui hoạch đô thị, phê duyệt các qui chế quản lí qi hoạch, kiến trúc tại các đô thị, bảo đảm phù hợp với pháp luật về qui hoạch, kiến trúc, làm cơ sở quản lí qui hoạch đô thị và triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các văn bản qui định chi tiết thi hành; tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư có liên quan để đảm bảo thống nhất với qui định của pháp luật về đất đai và giải quyết các vướng mắc, khó khăn hiện nay.
Về công tác qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất; qui hoạch đô thị, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát giúp Chính phủ tổ chức lập qui hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo qui định của pháp luật về qui hoạch và pháp luật về đất đai để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kì họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV...
Luật Đất đai 2013 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ không ít những bật cập, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thị trường bất động sản. Trong đó, một trong những bất cập lớn liên quan đến khung giá đất và bảng giá đất.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường: "Hiện nay, bảng giá đất của tất cả các tỉnh đều thấp hơn thị trường. Trong khi họ lấy lí do thấp hơn là bởi khung giá đất chỉ có vậy. Do đó, cần phải sửa đổi vì mọi rắc rối về tài chính đất đai đều nằm ở bảng giá đất thấp hơn thị trường mà nguyên nhân là vì có khung giá đất thấp".
Trên thực tế, chính vì có độ vênh lớn giữa giá đất qui định trong bảng giá đất và giá trên thị trường mà đã gây ra không ít rắc rối, bất cập trong việc thu hồi đất và đền bù đất thời gian vừa qua.