Sửa đổi quy định xử lý nợ xấu, vấn đề cấp bách
Nguồn: BCTC năm 2017 của 22 ngân hàng. |
Tuy nhiên, theo Ủy ban, nợ xấu còn tiềm ẩn ở các khoản mục nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp cơ cấu nợ, các khoản ủy thác, phải thu khó đòi. Nợ xấu ở nhóm ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng yếu kém chậm cải thiện.
Là người đã từng trải qua công tác thực tế xử lý nợ xấu, tôi nhận thấy quy trình xử lý nợ xấu ở Việt Nam còn quá nhiêu khê, điều này làm cho việc xử lý nợ xấu diễn ra chậm chạp, dòng tiền của ngân hàng bị đóng băng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng như việc lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế.
Khi một khoản vay phát sinh nợ xấu nhóm 5, ngân hàng không thể tùy tiện xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng đã thế chấp cho khoản vay mặc dù đã được công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Ngân hàng phải thực hiện theo trình tự xử lý của Bộ luật Dân sự. Mời khách hàng vay bị nợ xấu lên hòa giải, đàm phán. Nếu không giải quyết được mới tiến hành khởi kiện ra tòa án. Mặc dù hầu như tất cả các vụ khởi kiện này phần thằng đều thuộc về ngân hàng.
Đến đây quy trình xử lý mới nhiêu khê. Nhân viên ngân hàng phải thu thập hồ sơ khởi kiện khách hàng lên tòa án. Trường hợp khách hàng không hợp tác, vắng mặt khỏi nơi cư trú thì tòa án yêu cầu xác minh nơi cư trú thì ngân hàng kể như bó tay vì không biết khách hàng ở đâu mà tìm. Chưa kể phải bổ sung đủ thứ giấy tờ, bằng chứng cho tòa án.
Chưa hết, giả sử như đã được tòa án chấp nhận và phán quyết đồng ý cho xử lý tài sản đảm bảo thì tiếp đến là khâu chuyển hồ sơ qua bộ phận thi hành án để tiến hành bán đấu giá. Mới nghe thì tưởng là nhanh nhưng có làm thực tế mới thấy khâu này cũng gian nan không kém.
Nhân viên ngân hàng lại phải bổ sung hồ sơ cho phía thi hành án, tìm kiếm khách hàng mua tài sản bán đấu giá, thỏa thuận chốt phần trả nợ gốc, lãi phải trả… với khách hàng.
Có những khoản nợ xấu phải vài năm mới xử lý xong. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Có những tài sản đảm bảo tại thời điểm phát sinh nợ xấu có thể xử lý rất nhanh nếu đem phát mại vì giá thị trường đang rất tốt. Nhưng vì vướng quy định của pháp luật nên phải vài năm sau mới xử lý được và khi đó thị trường đi xuống, giá trị tài sản phát mãi không được như kỳ vọng.
Ở nước Mỹ, nếu con nợ trả nợ trễ hạn, ngân hàng sẽ gửi thư thông báo đề nghị thanh toán trong một số ngày nhất định. Nếu con nợ không tuân thủ, ngân hàng sẽ gửi thư lần hai, thông báo sẽ xử lý tài sản bảo đảm bằng cách đấu giá. Lá thư thứ ba, ngân hàng sẽ loan báo việc đấu giá: tổ chức ở đâu, thời gian nào... Khi đấu giá như thế, tất cả mọi người đều có quyền tham gia, kể cả ngân hàng.
Giá đấu giá khởi đầu luôn tuân theo nguyên tắc: số nợ + 1 đô la. Nếu không có ai đấu giá cao mức này thì ngân hàng thu giữ một cách đương nhiên. Còn nếu ai đấu giá cao hơn thì tài sản bảo đảm thuộc về người đó. Ngân hàng sẽ dùng tiền thu được thanh toán cho món nợ, số dư sẽ trả lại cho khách hàng.
Quy trình như vậy rất đơn giản, không phức tạp như chúng ta. Chúng ta thì đấu giá đợt 1, đợt 2 rồi đợt 3 và luôn lo lắng rằng giá khởi đầu quá thấp. Trong trường hợp như ở bên Mỹ, giá khởi đầu luôn là số nợ + 1 đô la và ngân hàng phải đấu giá.
Thiết nghĩ, nhà nước nên có quy định cởi trói cho ngân hàng được quyền tự xử lý tài sản đảm bảo đã được thế chấp tại ngân hàng khi đã có những bằng chứng rõ ràng và cụ thể về việc người vay đã vi phạm quy định trả nợ cho ngân hàng. Thành lập sàn mua bán tài sản đảm bảo thanh lý từ ngân hàng để đấu giá công khai, minh bạch.
Khi phát sinh nợ xấu ngân hàng chỉ cần chuyển hồ sơ tài sản đảm bảo qua sàn đấu giá, ai trả giá tốt nhất thì được quyền mua tài sản đó. Khách hàng vừa mua được tài sản giá tốt, ngân hàng vừa thanh lý nhanh chóng tài sản đảm bảo cho nợ xấu.
Có như vậy mới góp phần khơi thông “cục máu đông”, đưa dòng tiền lưu thông lành mạnh trở lại nền kinh tế. Đồng thời cũng góp phần nâng cao ý thức trả nợ của người đi vay, không gây khó dễ cho ngân hàng khi bị phát mãi tài sản.