|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nên có sàn mua bán nợ

16:09 | 16/11/2018
Chia sẻ
Nhiều đại biểu quốc tế đề xuất, cần phát triển thị trường mua bán nợ với giải pháp rất cụ thể là thành lập sàn mua bán nợ.
nen co san mua ban no Mua bán nợ có nên là ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Thị trường tài chính khu vực chịu nhiều áp lực

Xử lý nợ xấu là nội dung chiếm gần hết thời lượng của Hội nghị quốc tế Diễn đàn các công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ tư với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” diễn ra tại Hà Nội, hôm 15/11/2018.

nen co san mua ban no
Nợ xấu đang được các TCTD tích cực xử lý

Theo các diễn giả, kinh tế toàn cầu thời gian tới có thể tiếp tục đối mặt với những rủi ro, thách thức tác động lớn đến sự ổn định của hệ thống tài chính của nhiều nước trên thế giới trong đó có khu vực châu Á. “Nhiều dấu hiệu rủi ro bất ổn cho thị trường tài chính khu vực đã bắt đầu được nhìn thấy ở phía chân trời”, ông Reiner Martin đến từ Ngân hàng Trung ương châu Âu phát biểu.

Theo đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và việc Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất có thể khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu thay đổi, rút khỏi các thị trường mới nổi châu Á. Ông Arief Raymanyandi - chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo, sự đảo chiều đột ngột của dòng vốn có thể phá vỡ sự ổn định tài chính và kinh tế. Nhiều đồng tiền mới nổi tại châu Á sụt giảm mạnh, tạo áp lực lên lạm phát và làm tăng gánh nặng nợ của các quốc gia này.

Nhấn mạnh rằng tình hình tài chính ở châu Á và các quốc gia mới nổi đang là chủ đề nóng, Giám đốc ADB Việt Nam Eric Sidgwick cho rằng, các nước trong khu vực phải củng cố an ninh tài chính và tạo dư địa để có thể chống chọi với các tác động xấu. Các bài học từ khủng hoảng cũng chỉ ra tầm quan trọng trong việc xây dựng khả năng ứng phó và giải pháp liên quan đến quản lý tài sản, quản lý về dự trữ ngân sách quốc gia, dự trữ ngoại hối, điều hành tỷ giá, giám sát nợ xấu, phát triển thị trường vốn trong nước, có sự kết nối để có thể ứng phó với rủi ro tài chính mang tính hệ thống bên ngoài.

Ông Sebastian Eckardt – chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù khu vực châu Á được dự báo tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, nhưng rủi ro đang gia tăng do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và động thái thắt chặt chính sách của các NHTW lớn trên thế giới khiến dòng vốn có xu hướng di chuyển các quốc gia đang phát triển đến các nơi an toàn hơn. Vì thế các quốc gia cần có các chính sách để giảm thiểu bất lợi, ngăn chặn hiệu ứng lây lan, trong đó cần xây dựng bộ đệm tài chính và tăng cường tính bền vững của nợ, tập trung vào xử lý nợ xấu.

Nợ xấu cần sàn mua bán

Nợ và nợ xấu gia tăng đang là vấn đề của nhiều nước ở châu Á và cả ở châu Âu. Vì vậy việc chia sẻ các chính sách, các kinh nghiệm thực tế về các yếu tố thành công đằng sau các cơ chế giải quyết nợ của các thành viên IPAF tại diễn đàn sẽ giúp tăng cường mạng lưới an toàn tài chính khu vực và thúc đẩy sự phát triển và khả năng phục hồi của các quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của hệ thống tài chính – ngân hàng, đồng thời góp phần ổn định nền tài chính quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm đến quá trình xử lý nợ, gắn xử lý nợ với thực hiện đồng bộ tái cơ cấu các TCTD và tái cơ cấu DNNN trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính.

Theo đó, về cơ bản đến nay hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định khá đầy đủ để điều chỉnh một cách toàn diện về xử lý nợ xấu. Đặc biệt, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) thời gian qua đã cùng nhau tạo thành công cụ xử lý nợ quan trọng hiệu quả của Chính phủ, góp phần tạo cơ sở vững chắc cho việc hình thành thị trường mua bán nợ có tổ chức ở Việt Nam.

Mặc dù cùng là 2 DNNN thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ, nhưng DATC nhắm tới mua nợ và tái cấu trúc DN, còn VAMC xử lý nợ ở các TCTD. Theo đó, đến nay DATC đã xử lý hơn 90.000 tỷ đồng nợ xấu cho DN, hỗ trợ hơn 3.000 DN xử lý nợ trong quá trình cổ phần hóa, xử lý nợ để tái cơ cấu và chuyển đổi sở hữu cho 180 DN. DATC đã giúp hơn 20 tập đoàn và tổng công ty nhà nước xử lý nợ để hoàn tất cổ phần hóa trong đó có những tập đoàn và tổng công ty mà Nhà nước đã từng chỉ đạo thực hiện cả năm trời không được, nhưng khi qua DATC xử lý thì đã thành công.

Còn với VAMC, sau 5 năm hoạt động định chế này đã đạt được những kết quả đáng khích lệ góp phần giảm nhanh nợ xấu của hệ thống TCTD. Cụ thể, đến nay VAMC đã mua hơn 26.000 khoản nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt với giá mua hơn 280.000 tỷ đồng của hơn 16.000 khách hàng từ 42 TCTD. Số nợ xấu được xử lý, thu hồi qua VAMC hơn 86.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VAMC cũng hỗ trợ các TCTD tái cơ cấu, lành mạnh hóa tài chính, thúc đẩy khơi thông tín dụng, góp phần tăng trưởng kinh tế một cách an toàn và hiệu quả.

Tiến trình xử lý nợ xấu của các TCTD vẫn đang được triển khai quyết liệt. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tại Việt Nam, hầu hết các TCTD đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017-2020. Năm 2018 dự kiến xử lý được khoảng 20% đến 30% nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 và dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ xử lý được nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đưa nợ xấu xuống dưới 3%. Tuy nhiên việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt. Để xử lý nợ xấu ở Việt Nam, về lâu dài cần phải phát triển thị trường mua bán nợ.

Cũng có chung quan điểm như vậy, nhiều đại biểu quốc tế đề xuất, cần phát triển thị trường mua bán nợ với giải pháp rất cụ thể là: thành lập sàn mua bán nợ. Nợ xấu ngày nay không chỉ là vấn đề của từng quốc gia mà đã là vấn đề xuyên biên giới, nợ xấu cũng sẽ lan truyền.

Xem thêm

Linh Ly