Sự thật về giá của một ly cà phê, những người nông dân chỉ nhận được 0,4%
Chi phí liên quan đến cà phê trong một ly cà phê thực ra chỉ chiếm 4% trên giá bán thị trường
Người tiêu dùng đang uống nhiều cà phê hơn bao giờ hết, đây có lẽ là thời điểm tuyệt vời đối với những người nông dân. Tuy nhiên giá hạt cà phê arabica, loại chất lượng cao hơn và có vị nhẹ hơn trong hai loại cà phê hiện chỉ đang ở mức giá 1 USD/pound trên sàn Newyork. Mức giá này thấp hơn một nửa so với khoảng thời gian 5 năm trước do tăng trưởng sản lượng từ nhà sản xuất số một, Brazil.
Nhiều nông dân trên khắp thế giới đã phải từ bỏ những trang trại của mình hoặc chuyển sang trồng các loại cây bất hợp pháp như coca. Chính điều này dấy lên nghi ngờ về tính bền vững của nguồn cung trong tương lai, cuối cùng có thể làm tăng giá với những sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Vậy tại sao những người nông dân đang phải vật lộn trong hoàn cảnh giá một ly cà phê ngày càng tăng như hiện nay?
Người tiêu dùng có thể nghĩ rằng, bất kỳ sự tăng giá nào của tách cà phê buổi sáng họ mua xuất phát từ những người nông dân. Nhưng thực tế, với một ly cà phê giá 2,5 bảng Anh, chi phí cho những hạt cà phê chỉ chiếm vỏn vẹn 4%, tương đương khoảng 10 xu. Trong khi tiền thuê mặt bằng, giá nhân công chiếm tới 75% tổng chi phí (số liệu từ công ty tư vấn Allegra Strategies).
Và vì do chuỗi giá trị cà phê dài, nên chỉ một phần nhỏ trong 10 xu đó có thể đến được với người nông dân.
1 bảng Anh = 100 pence (xu)
Chuỗi giá trị của cà phê trông như thế nào?
Rất nhiều công đoạn kể từ khi quả cà phê được hái xuống từ cây. Họ sẽ phải làm sạch, xử lý, loại bỏ hạt kém chất lượng, tách vỏ, sấy khô. Hạt cà phê được đóng gói, chuyển qua tay những người trung gian (nhập khẩu, thương nhân, xuất khẩu) rồi cuối cùng mới đến tay các nhà rang xay.
Một số liệu thu thập năm 2012 từ Trung tâm Thương mại, Xuất khẩu cà phê cho biết, các nhà rang xay cuối cùng sẽ lấy gần 80% của giá cà phê bán buôn; người nông dân chỉ lấy được hơn 10% tương đương 1 xu từ ly cà phê giá 2,5 bảng Anh.
Trong những năm qua, lợi nhuận ngành này thuộc về những trung gian, chẳng hạn như thương nhân, các công ty logistic. Tuy nhiên biên lợi nhuận trong lĩnh vực này ngày càng trở nên co hẹp lại, Raf Roggerman, một quản lý tại công ty logistics về hàng hóa cho biết.
Ai được lợi lớn nhất trong chuỗi giá trị cà phê, tại sao?
Trong khi các quán cà phê và các nhà bán lẻ cuối cùng chiếm phần lớn lợi nhuận của một tách cà phê, thì những nhà bán buôn và rang xay là những người hưởng lợi đầu tiên.
Các chuyên gia lập luận rằng, không chỉ làm cho hạt cà phê xanh thành thứ có thể uống được, các nhà rang xay còn bỏ thời gian và tiền bạc để có thể tìm ra những công thức phù hợp khẩu vị khách hàng.
Dan Webber, sáng lập hãng rang xay Chimney Fire Coffee cho biết, chi phí để tìm hiểu sở thích, hương vị của những người tiêu dùng khác nhau là rất lớn.
Trong khi Jamie Banwell, giám đốc bán hàng tại khu vực Châu Âu của Diedrich Roasters cho biết, một nhà rang xay giỏi có kinh nghiệm mua các loại cà phê khác nhau, ghé thăm các trang trại và có thể sẽ nếm thử và hiểu sản phẩm của họ một cách nhất quán và khách quan. Họ cũng có thể rang cà phê một cách chính xác và chuyên nghiệp hơn.
Các nhà rang xay cũng gánh nhiều rủi ro, thường xuyên phải chi tiền túi, trước khi thu hồi lại khi cà phê của họ sẵn sàng để bán.
Ai là nhà rang xay lớn nhất?
Nestle và các nhà bán lẻ lớn như Starbucks từng tận dụng thành công lợi thế của việc rang xay, tuy nhiên các chuỗi cà phê nhỏ hơn hiện đang bắt đầu làm điều tương tự.
Có thời điểm, các nhà rang xay là những người có hy vọng sở hữu cho mình một quán cà phê, nhưng hiện nay điều ngược lại đang xảy ra. Trên thực tế, mọi quán cà phê có nhiều hơn một cửa hàng đều quan tâm đến việc bắt đầu tự rang.
Với việc cà phê ngày càng trở nên phổ biến, tiền vẫn tiếp tục chảy vào lĩnh vực này. "Ngành cà phê đã bùng nổ trong 10 năm qua. Thường thì trông có vẻ như một bong bóng, nhưng thực tế ngay cả dòng tiền thông minh cũng đang đầu tư vào và việc mua lại vẫn tiếp tục diễn ra", ông Banwell, nhân vật phỏng vấn của Financial Times cho biết.
Theo cơn sốt cà phê, nhưng người chơi lớn hơn giờ đã có cả nhà rang xay và chuỗi bán lẻ. Top 10 nhà rang xay hàng đầu thế giới – dẫn đầu bở Nestle, tiếp sau là JAB (công ty được sở hữu bởi gia đình Reimann, Đức đang xây dựng một đế chế cà phê toàn cầu), Lavazza… xử lý khoảng 35% lượng cà phê trên toàn thế giới (theo báo cáo của Coffee Barometer, nhóm tổ chức phi chính phủ).
Tại sao ly cà phê của tôi lại đắt như vậy?
Chi phí ảnh hưởng đến giá của một ly cà phê thay đổi theo mỗi quốc gia.
"Trong khi cà phê là một loại mặt hàng có thể giao dịch, một ly latte trong quán lại không", Michael Schaefer, người đứng đầu mảng thực phẩm, đồ uống tại Euromonitor International cho biết.
"Hầu hết những gì bạn có thể trả tiền cho bất kỳ thị trường nào là không gian cửa hàng và chuyên môn của nhân viên làm ra sản phẩm, ngoài ra còn có giá trị thương hiệu so với các sản phẩm khác".
Ví dụ, một ly cà phê Starbucks ở Nga, đắt gấp bốn lần so với đồ uống tương tự tại Mỹ khi xem xét tương quan với các loại hàng hóa khác. Ở một số thị trường, nơi Starbucks vẫn được định vị là một thương hiệu xa xỉ, cửa hàng được đặt tại các khu vực có giá thuê đắt đỏ nhất của thành phố lớn. Cơ sở khách hàng có xu hướng khá giả so với thu nhập trung bình và khách hàng sẵn sàng chi nhiều hơn cho các thương hiệu họ yêu thích.
Ở những nơi khác, lương nhân viên có thể là một phần đáng kể của chi phí hoặc cũng có những thị trường mà ảnh hưởng của tiền tệ khiến cho một ly latte có vẻ khá đắt đỏ nếu tính theo USD.