|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê 'hưng phấn' ngay đầu tháng trước nguồn cung giảm

15:38 | 03/06/2019
Chia sẻ
Trong năm nay, các nước sản xuất cà phê lớn dự báo sản lượng cà phê giảm do chịu tác động của thời tiết xấu bên cạnh diện tích canh tác cà phê giảm. Đây được xem là yếu tố hỗ trợ giá cà phê thời gian tới.

Dự báo nguồn cung giảm

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) dự báo giá cà phê thế giới và trong nước có thể tăng nhẹ trong ngắn hạn. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong bối cảnh giá cà phê toàn cầu giảm giá, nhiều quốc gia sản xuất cà phê lớn đã thu hẹp diện tích trồng. 

Theo Cơ quan cung ứng mùa vụ của Chính phủ Brazil (Conab), diện tích trồng cà phê tại Brazil trong năm 2019 giảm 1,1%, xuống hơn 1,8 triệu ha, thấp nhất kể từ năm 2007, do giá cà phê toàn cầu thấp khiến nông dân thu hẹp diện tích.

Cơ quan Cung ứng và Dự báo Nông sản (Bộ Nông nghiệp Brazil) dự báo lần thứ hai cho thấy vụ mùa cà phê Brazil năm nay có thể giảm 17,4% so với năm 2018, xuống 50,92 triệu bao. 

Trong đó, sản lượng cà phê arabica giảm 22,1% xuống ở gần 37 triệu bao và cà phê robusta giảm 1,7% xuống trên 13,9 triệu bao do diện tích cây trồng giảm. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo niên vụ cà phê mới 2019 - 2020, Indonesia sẽ thu hoạch 10,7 triệu bao cà phê các loại, tăng 0,94%. 

Tuy nhiên tiêu thụ nội địa của nước này tăng 14% lên khoảng 4,9 triệu bao, tiếp tục làm hạn chế tiềm năng xuất khẩu của nhà sản xuất cà phê thứ tư thế giới này.

Tại Ấn Độ, theo tờ The Hindu, mưa rào mùa hè đã ảnh hưởng đến ngành cà phê nước này năm thứ hai liên tiếp, khi người trồng cà phê chưa thể phục hồi sau trận lũ tàn phá năm ngoái, cuốn trôi một số đồn điền ở quận Kodagu và Wayanad. Tình trạng này sẽ dẫn đến sản lượng cà phê giảm 40 - 50%.

Tại Việt Nam, Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), cà phê năm nay dự báo bị ảnh hưởng từ thời tiết xấu, tác động bởi hiện tượng El nino. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa 2019 đến muộn hơn so với quy luật, một số hồ đập trong vùng lượng nước thấp hơn rất nhiều so với các năm.

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng gặp phải tình trạng quả cà phê có nhân rất nhỏ hoặc không nhân.

"Đây cũng là tình trạng khá phổ biến mà người trồng cà phê tại Việt Nam đã gặp phải trong vụ vừa qua và vẫn sẽ tiếp diễn", Hiệp hội cho biết.

VICOFA cho biết thêm, một trong những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng của cây cà phê chính là giá thành sản phẩm hạt cà phê cùng giá nhân công, phân bón. 

Giá cà phê niên vụ trước ở mức rất thấp và giảm dần về phía cuối vụ, sang vụ mới nhích lên một chút nhưng sau đó lại tiếp tục giảm sâu, nhiều tháng giá cà phê nhân xô chỉ trong khoảng 33.000 – 34.000 đồng/kg. 

Trong khi giá nhân công và phân bón luôn ở mức cao. Điều này đã khiến người đầu tư vào trồng cà phê rất vất vả, thu không đủ chi, dẫn đến chán nản và chặt bỏ rất nhiều vườn cà phê để trồng các loại cây khác có doanh thu tốt hơn mà giá ít bị biến động hơn, chịu hạn được tốt hơn như sầu riêng, chanh leo, bơ.

Tín hiệu sáng trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6

Trong tuần từ ngày 27/5 đến ngày 1/6, giá cà phê trong nước tăng tới 2.000 đồng/kg trên toàn khu vực Tây Nguyên. Có một số tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Nông, giá cà phê tăng 2.100 đồng/kg lên lần lượt 33.200 đồng/kg và 33.700 đồng/kg, theo số liệu tintaynguyen.com.

Tại các kho quanh cảng TP HCM, giá cà phê cũng tăng 2.000 đồng/kg lên 34.800 đồng/kg.

Giá cà phê hưng phấn ngay đầu tháng trước nguồn cung giảm - Ảnh 1.

Diễn biến giá cà phê trong tuần từ ngày 27/5 đến ngày 1/6. Tổng hợp: Đức Quỳnh.

Tính chung toàn vùng giá cà phê trong tuần trước dao động 32.200 - 33.800 đồng/kg. Trong đó, giá cà phê Đắk Lắk và Gia Lai cao nhất đạt 33.800 đồng/kg. Giá cà phê Lâm Đồng thấp nhất 33.200 đồng/kg.

Đến đầu tuần này (ngày 3/6), đà tăng giá cà phê vẫn chưa dứt khi tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum ghi nhận mức tăng 200 đồng/kg lên lần lượt 34.100 đồng/kg và 33.900 đồng/kg. Giá cà phê tỉnh Đắk Nông tăng 100 đồng/kg lên 33.800 đồng/kg.

Mỹ và Đức tiêu thụ nhiều cà phê Việt Nam nhất

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, xuất khẩu cà phê tháng 5 ước đạt 141.000 tấn với giá trị đạt 229 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2019 ước 773.000 tấn, tương đương 1,32 tỷ USD, giảm 12,4% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so với cùng năm 2018. 

Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2019 đạt 1.730 USD/tấn, giảm 10,2%.

Giá cà phê hưng phấn ngay đầu tháng trước nguồn cung giảm - Ảnh 2.

Tỉ trọng xuất khẩu cà phê Việt Nam sang các thị trường > kỳ nào. Tổng hợp: Đức Quỳnh

Trên thị trường thế giới, trong tháng 5 giá cà phê thế giới biến động giảm nhẹ so với tháng trước. Cụ thể giá cà phê robusta giao tháng 7 Sàn giao dịch hàng hóa London giảm 7 USD/tấn xuống còn 1.369 USD/tấn. 

Thị trường cà phê trong nước biến động tăng. So với tháng 4, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 400 – 600 đồng/kg lên 31.100 – 31.800 đồng/kg. Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết giá cà phê tăng do các quỹ đầu tư đã giảm bớt lượng bán ra trên sàn cà phê hạn.

Cục Xuất Nhập khẩu thông tin giá cà phê trong tháng 5 giảm do đồng real Brazil giảm khiến nông dân nước này đẩy mạnh bán ra, trong khi đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ thế giới, làm giảm sức mua. 

Bên cạnh đó, quá trình Brexit bế tắc khiến đồng bảng Anh suy yếu cũng gây thêm bất lợi cho giá cà phê robusta tại thị trường London. 

Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán là nhân tố chính thúc đẩy giới đầu cơ chuyển kênh đầu tư, khiến thị trường hàng hóa toàn cầu nói chung, và mặt hàng cà phê nói riêng giảm giá. 

"Nông dân cần nắm bắt thông tin thị trường hơn nữa"

Đó là nhận định của chuyên gia ngành cà phê Trần Thanh Hương trong một cuộc trao đổi ngắn với người viết bên lề sự kiện Xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Trung Đông diễn ra ngày 24/5.

Ông Hương cho rằng, nông dân đang khá mơ hồ về thông tin trường mà chỉ chờ thương lái đưa ra giá bao nhiêu thì bán bấy nhiêu. Nhiều hộ thấy giá cà phê giảm mạnh quá nên chuyển sang trồng sắn nên không tạo được sự bền vững trong ngành.

"Cá nhân tôi ủng hộ việc chế biến sâu và xuất khẩu cà phê ra thế giới. Nếu nói riêng cà phê hòa tan thì chúng ta đã có những ông lớn như Trung Nguyên, Vinacafe, T&I... Bên cạnh đó, cà phê đặc hiện nay cũng là hướng mà hiện nay nhiều doanh nghiệp startup (khởi nghiệp) đang theo đuổi".

Đức Quỳnh