|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự phục thù của Nokia trước đối thủ Huawei

03:56 | 11/10/2020
Chia sẻ
Hai tập đoàn viễn thông Orange Belgium và Proximus đã loại Huawei và chọn Nokia (Phần Lan) để xây dựng hệ thống mạng 5G ở Bỉ.

Orange Belgium và Proximus là hai trong số những hãng viễn thông đầu tiên gạt Huawei khỏi danh sách các nhà thầu phát triển hệ thống 5G trong bối cảnh Mỹ liên tục gây sức ép, để châu Âu ngừng hợp tác với tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc.

Huawei tuyên bố họ tôn trọng quyết định của Orange Belgium và Proximus, theo Reuters.

Liên minh châu Âu và NATO đặt trụ sở tại thủ đô Brussels của Bỉ, nơi mang biệt danh "trái tim của châu Âu". Vì thế mà Washington rất quan tâm tới thành phố này và nước Bỉ.

Từ nhiều năm qua, Bỉ chủ yếu mua thiết bị các công ty Trung Quốc để phát triển mạng lưới vô tuyến. 

Sự phục thù của Nokia trước đối thủ Huawei - Ảnh 1.

Huawei tuyên bố họ tôn trọng quyết định của Orange Belgium và Proximus. (Ảnh: Caixin)

"Các quan chức NATO và EU gọi điện thoại thông qua mạng lưới vô tuyến của Bỉ, nên các nhà mạng Bỉ muốn cam kết rằng mạng lưới của họ an toàn", Reuters dẫn lời John Strand, một chuyên gia tư vấn viễn thông.

Nhà Trắng hoan nghênh quyết định của Orange Belgium và Proximus. "Động thái của hai tập đoàn là bằng chứng về việc các thỏa thuận của Huawei đang tan vỡ và thế giới muốn hợp tác với những doanh nghiệp đáng tin hơn", Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach  của Mỹ bình luận.

Telenet là hãng viễn thông duy nhất tại Bỉ chưa xác định nhà cung cấp thay thế doanh nghiệp Trung Quốc. Là khách hàng lâu năm của tập đoàn ZTE (Trung Quốc), Telenet muốn triển khai hệ thống mạng 5G vào đầu năm 2021.

Với Nokia, quyết định của Orange Belgium và Proximus giúp họ "phục thù" sau khi tụt hậu so với Huawei và Ericsson vì chiến lược sai lầm. Để giành lợi thế trong cuộc đua đấu thầu xây dựng mạng 5G, Nokia từng đầu tư một bộ vi xử lí mạnh để chào hàng các nhà mạng viễn thông. 

Vũ khí của Nokia là chip FPGA. Ưu điểm của nó là tính linh hoạt, bởi nó cho phép người dùng lập trình lại khi lắp đặt vào ăng-ten phát sóng cho phù hợp với tiêu chuẩn riêng của từng thị trường hay nhà mạng.

Hồi ấy, Nokia còn có một lựa chọn khác là SoC (system-on-chip) - loại chip rẻ, tiết kiệm điện, song nhược điểm là rất khó lập trình lại sau khi chế tạo. Nếu đặt hàng sản xuất chip SoC và sau đó các tiêu chuẩn 5G không hỗ trợ, Nokia sẽ có một loạt chip vô dụng. Vì thế, Nokia quyết định chọn FPGA.

Các tiêu chuẩn cho mạng 5G ra đời sớm hơn Nokia dự tính. Năm 2018, khi các tiêu chuẩn đã gần như hoàn thiện, thị trường không cần loại chip mạnh mẽ, dễ tùy biến mà chỉ cần chip giá rẻ, đúng chuẩn sử dụng.

Khi ấy, Nokia mới nhận ra rằng họ có quá nhiều chip FPGA song lại không có đủ các loại rẻ như Huawei và Ericsson. 

"FPGA giống một xe hơi với rất nhiều tính năng mà người mua không sử dụng", ông Sandro Tavares - Trưởng bộ phận marketing di động của Nokia - thừa nhận. Trong khi đó, chip SoC mới là thứ thị trường thực sự cần.

Giám đốc một hãng viễn thông châu Âu nhận định mức giá cho một số thiết bị Nokia cao gấp đôi so với các sản phẩm của Huawei và Ericsson sử dụng chip SoC. Đội ngũ điều hành Nokia ước tính mức chênh lệch giá phần lớn nằm trong khoảng từ 5 đến 15%. 

Mức tiêu thụ điện của sản phẩm Nokia dùng chip FPGA cũng cao hơn - nhược điểm đối với các nhà mạng không dây đang cố gắng cắt giảm mức tiêu thụ điện năng.

Vì thế Nokia đã tụt hậu. Theo hãng nghiên cứu viễn thông Dell’Oro Group, năm ngoái, Huawei đã tăng thị phần thiết bị viễn thông lên 28,3% toàn cầu, từ 27,5% năm 2018. Ericsson cũng tăng thị phần lên 13,9% từ 13,7%. Trong khi đó, Nokia lại giảm từ 16,9% xuống 16,2%.

Sau khi nhận ra sai lầm, Nokia đã thay thế người đứng đầu mảng kinh doanh thiết bị không dây bằng Tommi Uitto. Ông là người khởi động chương trình tái cấu trúc hai năm đang bắt đầu có kết quả.

Uitto đã tăng gấp đôi nhân viên R&D để tập trung vào việc sản xuất chip rẻ hơn, đồng thời tăng số nhà cung cấp chip từ một lên ba. "Chúng tôi đối mặt rủi ro lớn do chỉ phụ thuộc vào một hãng cung ứng", ông lập luận.

Nokia cũng đã sẵn sàng hưởng lợi từ vòng kim cô của Mỹ với Huawei. Các quan chức Mỹ đã tìm cách hạn chế doanh số của Huawei trên toàn thế giới, cảnh báo rằng Trung Quốc có thể ra lệnh cho Huawei sử dụng thiết bị hoặc nhân viên của mình để theo dõi hoặc tấn công mạng. Huawei và Trung Quốc đến nay phủ nhận cáo buộc này.

Mỹ hiện không có doanh nghiệp lớn nào trong ngành này. Vì thế, giới chức nước này lo lắng cả Nokia và Ericsson đều không thể giành chiến thắng trước Huawei trong dài hạn. Thời gian qua, họ cố gắng hỗ trợ, giảm thuế cho cả hai công ty này. Họ còn động viên Cisco Systems cũng như các công ty khác xem xét khả năng làm M&A.

Đầu năm nay, Nokia đã phát hành các loại chip SoC tương đương với Huawei và Ericsson. Ông Uitto cho biết 35% các lô hàng của Nokia trong năm nay sẽ có chip SoC. Tỷ lệ này sẽ được nâng lên 100% vào năm 2022.


Nhạc Phong