|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 7/6 - 11/6: Mối lo lạm phát lại nổi lên

07:23 | 07/06/2021
Chia sẻ
Trong tuần này, các nhà đầu tư đang muốn đánh giá rủi ro lạm phát được dự đoán là sẽ theo dõi sát sao dữ liệu giá tiêu dùng mà chính phủ Mỹ công bố vào ngày 10/6.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư ngoại hối đang lo ngại rằng lạm phát gia tăng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) siết chặt chính sách, dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ sẽ là một trong các thông số mà thị trường quan tâm nhất tuần này.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể theo dõi tiến độ đàm phán gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.700 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp vào ngày 10/6 và có thể thảo luận về các vấn đề xoay quanh quy mô kích thích kinh tế.

Bên cạnh đó, chính phủ Anh dự kiến sẽ công bố số liệu GDP giữa lúc có nhiều e ngại về kế hoạch mở cửa nền kinh tế của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 7/6 - 11/6: Mối lo lạm phát lại nổi lên - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện có khả năng tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này như sau:

1. Rủi ro lạm phát

Sau số liệu lạm phát cao hơn dự đoán hồi tháng trước, thị trường hẳn sẽ quan tâm đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng mới nhất vì một số người đang lo sợ áp lực tăng giá có thể buộc Fed thu hồi các biện pháp kích thích tiền tệ sớm hơn. Chính phủ Mỹ sẽ công bố dữ liệu này vào ngày 10/6 tới.

CPI là một trong các dữ liệu kinh tế quan trọng cuối cùng được công bố trước thềm cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed, dự kiến diễn ra trong hai ngày 15 và 16/6, Investing.com lưu ý.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng sẽ công bố số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp sơ bộ cùng ngày 10/6. Tuần trước, số đơn xin nhận trợ cấp vừa giảm xuống dưới ngưỡng 400.000 lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

2. Thỏa thuận cơ sở hạ tầng của ông Biden

Các nhà đầu tư còn có thể theo dõi diễn biến đàm phán giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về thỏa thuận đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 1.700 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Pete Buttigieg cho biết Nhà Trắng coi ngày 7/6 - khi Quốc hội Mỹ quay trở lại làm việc sau kì nghỉ kéo dài một tuần, là thời điểm quan trọng của cuộc đàm phán.

Ban đầu, kế hoạch đầu tư của ông Biden có trị giá gần 2.300 tỷ USD, song trong quá trình đàm phán với Đảng Cộng hòa, quy mô của dự luật đã bị thu hẹp đáng kể.

3. Thế tiến thoái lưỡng nan của ECB

Các quan chức ECB dự kiến nhóm họp vào ngày 10/6 và sẽ công bố dự báo tăng trưởng cập nhật cho năm 2021 và 2022.

Một số bình luận ôn hòa gần đây của các quan chức ECB cho thấy ngân hàng trung ương này có thể sẽ siết chặt chính sách sớm hơn dự kiến. Bất kì tín hiệu nào từ Chủ tịch Christine Lagarde về vấn đề trên cũng có thể đẩy lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro lên cao hơn và làm suy yếu khả năng phục hồi của khối kinh tế chung.

"Khi tốc độ phục hồi kinh tế diễn ra nhanh hơn, ECB lại rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: tiếp tục nới lỏng các điều kiện tài chính hay bắt đầu thu hồi một số biện pháp kích thích khẩn cấp trong đại dịch", bà Angel Talavera, trưởng bộ phân phân tích kinh tế châu Âu tại Oxford Economics, cho hay.

"Trong bối cảnh tình trạng của nền kinh tế chung vẫn còn khá mong manh, chúng tôi tin ECB sẽ duy trì tốc độ thu mua tài sản như hiện tại trong cuộc họp chính sách tháng 6", bà Talavera gợi ý.

4. GDP của Anh

Chính phủ Anh có kế hoạch mở cửa nền kinh tế từ ngày 21/6, tuy nhiên dự định này càng ngày càng khiến nhà đầu tư nghi ngờ. Vì lẽ đó, nhà đầu tư sẽ chú ý đến số liệu GDP hàng tháng của Anh, dự kiến công bố ngày 11/6.

Theo Investing.com, việc các cửa hàng và doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn hoạt động trở lại vào tháng 4 đã giúp số liệu GDP tháng trước tăng trưởng mạnh. Song, triển vọng phục hồi có thể phải đối mặt với thử thách lớn khi mà có nhiều lo ngại xoay quanh biến thể SARS-CoV-2 mới (được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ).

Các ước tính mới nhất chỉ ra rằng nó có thể lây nhiễm mạnh hơn 50% so với chủng ưu thế trước đó, có nghĩa là số ca nhập viện có thể tăng nhanh trong các nhóm chưa được tiêm chủng.

Khả Nhân