|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự thảo ngân sách lớn của Tổng thống Biden đi kèm triển vọng tăng trưởng khiêm tốn

20:21 | 29/05/2021
Chia sẻ
Theo giới quan sát, đề xuất ngân sách đầu tiên của Tổng thống Joe Biden tuy trị giá lớn – khoảng 6.000 tỷ USD, cao hơn 50% so với chi tiêu liên bang trước đại dịch COVID-19 - nhưng lại kỳ vọng một mức tăng trưởng tương đối khiêm tốn trong dài hạn cho nền kinh tế, phản ánh mối lo ngại về tình trạng giá hóa dân số ở Mỹ.

Kế hoạch chi tiêu của chính quyền Tổng thống Biden cho năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2022 sẽ tăng khoản tiền dành cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và chống biến đổi khí hậu. Nhưng kế hoạch đó lại đi kèm với những dự báo về tăng trưởng ngắn hạn không phản ánh sự cải thiện nhanh chóng của nền kinh tế trong năm nay.

Với sự trợ giúp của gói kích thích bổ sung trị giá 1.900 tỷ USD được phê duyệt vào đầu năm nay, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 6,4% trong quý I/2021. 

Khảo sát của các nhà dự báo chuyên nghiệp và quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều nhận định tốc độ trên vẫn duy trì trong phần còn lại của năm nay.

Ngược lại, kế hoạch ngân sách của chính quyền Tổng thống Biden lại dự kiến mức tăng trưởng trong cả năm 2021 chỉ là 5,2%.

Một điều cũng đáng chú ý khác là dự báo triển vọng tăng trưởng lại giảm xuống khá nhanh sau năm 2023, chỉ từ 1,8% - 2% mỗi năm trong giai đoạn 2024 - 2031. 

Dù dự báo đó hoàn toàn phù hợp với ước tính dài hạn hơn từ các quan chức Fed, con số trên thấp hơn tối thiểu 0,25 điểm phần trăm so với ước tính của giới dự báo tư nhân.

Giới chuyên gia kinh tế cho biết dự báo của chính quyền ông Biden có khả năng đã tính tới hai yếu tố bất lợi đe dọa xu hướng tăng trưởng kinh tế dài hạn: Dân số nước Mỹ đang già đi nhanh chóng và lực lượng lao động không mở rộng.

Hồi năm 2017, Cục Thống kê Dân số Mỹ đã ước tính rằng 20,5% dân số nước này sẽ thuộc nhóm từ 65 tuổi trở lên vào năm 2030, cao hơn hẳn so với mức 16,8% ghi nhận hồi đầu thập kỷ trước.

Ngoài ra, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Mỹ hiện là 61,7% và gần tương đương mức của những năm 1970. Nhưng dự kiến tỷ lệ trên sẽ không phục hồi từ đợt lao dốc trong đại dịch COVID-19.

Bà Julia Coronado, Chủ tịch công ty phân tích MacroPolicy Perspectives cho biết đó đều là những con số rất chắc chắn và dựa trên thực tế nhân khẩu học. Bà nhận định ý tưởng trong kế hoạch ngân sách là nếu không có các khoản đầu tư, nền kinh tế sẽ không tăng trưởng về năng suất.

Cũng theo bà Coronado, chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng tổng thể sẽ không chính xác.

Chuyên gia Roberto Perli của Cornerstone Macro đồng ý với nhận định trên. Ông nói rằng các dự báo tăng trưởng của Nhà Trắng là "thực tế với tiềm năng" và vẫn theo hướng lạc quan.

Chuyên gia này lưu ý rằng dù Nhà Trắng chỉ dự báo tăng trưởng 2% cho năm 2030, con số đó vẫn cao hơn so với mức 1,8% của năm 2025 khi tính tới lực cản từ vấn đề nhân khẩu học. Điều này cho thấy chính quyền ông Biden tin tưởng rằng năng suất của nền kinh tế vẫn sẽ tăng theo thời gian.

Một lĩnh vực mà kế hoạch của Tổng thống Mỹ tỏ ra khá lạc quan là tình hình thất nghiệp. Kế hoạch ước tính tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ trung bình ở mức 5,5% trong năm nay, giảm từ 6,1% hiện tại. Sau đó tỷ lệ trên vào năm 2023 sẽ tiếp tục giảm xuống 3,8% - gần với mức thấp trước đại dịch là 3,5% - và giữ nguyên ở đó cho đến năm 2031.

Để so sánh, Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp dài hạn ở mức 4%, trong khi các nhà dự báo chuyên nghiệp đưa ra ước tính là 4,1%. Ngay cả chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump trước đây cũng chỉ dự báo tỷ lệ thất nghiệp dài hạn là 4,2%.

Hương Thủy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.